12:49 04/06/2007

Bảo Việt IPO: Thấy gì từ giá?

Đăng Long

Giá cổ phần Bảo Việt hình thành qua đấu thầu là một mức giá tiềm năng, mang nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư

Nhân viên sàn Hà Nội kiểm kê sau phiên đấu giá cổ phần Bảo Việt - Ảnh: Mạnh Thắng.
Nhân viên sàn Hà Nội kiểm kê sau phiên đấu giá cổ phần Bảo Việt - Ảnh: Mạnh Thắng.
Giá cổ phần Bảo Việt hình thành qua đấu thầu là một mức giá tiềm năng, mang nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư.

>>Theo dòng sự kiện

Sau 4 ngày làm việc, kết quả cuối cùng của phiên đấu giá cổ phần Bảo Việt đã được công bố. Mức giá trúng thầu thấp nhất 67.800 đồng và bình quân là 73.910 đồng nằm trong dự đoán của nhiều nhà đầu tư.

Riêng những mức giá đặt mua từ 160.000 – 250.000 đồng, khối lượng từ 100 – 5.000 cổ phần, nhiều khả năng sẽ có trường hợp bỏ cuộc, chấp nhận mất tiền cọc. Nhưng, hiện tượng đó dự báo sẽ không nhiều.

Theo nhận định của một số chuyên gia, tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư trong cuộc đấu giá này đã thể hiện rất cao, nhất là trước một khối lượng tham gia kỷ lục. Hiện tượng làm giá cũng không diễn ra như những cuộc đấu giá nóng sốt trước đây; mức giá hình thành cũng phản ánh kỳ vọng hợp lý của nhà đầu tư đối với Bảo Việt.

Với mức bình quân 73.910 đồng, thoạt nhìn về thị giá tuyệt đối tưởng như quá rẻ so với cổ phiếu của hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm, cũng như các blue-chip hiện nay. Nhưng, với mức giá đó, với tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ của Bảo Việt dự kiến cho giai đoạn 2006-2010 từ 7,55 – 11,12% (theo số liệu trong Bản công bố thông tin), hệ số P/E ở vào khoảng 60 – 65 lần, một mức khá cao?

Nếu xét thị giá này trên mức vốn trước IPO của Bảo Việt (khoảng 1.700 tỷ đồng) thì cũng tương đương với một thị giá khoảng 280.000 đồng trước khi “chia tách” tăng vốn.

Tuy nhiên, mức giá nói trên là mức được đặt cho một doanh nghiệp đang ở trong mô hình cũ “trước đổi mới”, chuẩn bị bước vào mô hình mới – sau cổ phần hóa; theo đó, một hệ số P/E cao thể hiện sự kỳ vọng rất lớn của thị trường vào tăng trưởng trong tương lai của Bảo Việt.

Hệ số này dự báo sẽ có thay đổi lớn trong những năm tới, khi Bảo Việt “hiện nguyên hình” một doanh nghiệp năng động, hiệu quả từ mô hình cổ phần hóa mang lại. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ có thể sẽ đạt tới 20% hoặc cao hơn. Theo đó, hệ số P/E có thể sẽ chỉ còn khoảng 30 – 35 lần.

Dự báo trên có thể đang nằm trong kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, những người đang trở thành cổ đông của Bảo Việt. Bảo Việt sẽ thay đổi nhanh chóng, có thể như Cao su Đà Nẵng (DRC), cũng như những doanh nghiệp nhà nước khác làm ăn hiệu quả sau khi cổ phần hóa? Cao su Đà Nẵng chỉ lãi 1 tỷ đồng trong năm 2005, nhưng ngay sau cổ phần hóa và niêm yết, doanh nghiệp này đã “siêu lãi” tới 55 tỷ trong năm 2006 và dự kiến lãi 80 tỷ trong năm nay. Giá cổ phiếu DRC cũng đã tăng mạnh mẽ hơn gấp 2 lần sau 3 tháng niêm yết.

Nếu điều đó hiện thực, mức giá trên là của niềm tin, là mức giá tiềm năng. Với Bảo Việt, đó là mức giá thành công, đặc biệt là trong ý nghĩa tạo tiền đề cho kế hoạch IPO những doanh nghiệp lớn tiếp theo.

Mặt khác, sự thành công của cuộc đấu giá này sẽ góp phần mang lại niềm tin tích cực để thị trường tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Ở một diễn biến khác đáng chú ý, ngay sau thông báo của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trên các sàn OTC trực tuyến, thông tin chào bán cổ phần Bảo Việt đã “bung” mạnh với giá từ 69.000 - 83.000 đồng. Và chắc chắn đó chưa phải là những mức cuối cùng.