07:47 01/08/2023

Bất động sản Hà Nội ở các vị trí đẹp của các quận nội thành vẫn tăng giá mạnh

Tuấn Sơn

Theo báo cáo mới nhất của VARS tháng 6/2023, thị trường địa ốc Hà Nội đang ngày một khan hiếm nguồn cung, chưa tới 20% so với cùng kì 2018. Trong khi đó, phân khúc thấp tầng nội đô, sở hữu vị trí và pháp lý lý tưởng,5 năm qua lại không ngừng tăng giá...

Thị trường địa ốc Tây - Nam Thủ đô nổi bật với quy hoạch hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện.
Thị trường địa ốc Tây - Nam Thủ đô nổi bật với quy hoạch hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện.

CÀNG TRUNG TÂM - GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN CÀNG TĂNG MẠNH

Quỹ đất trung tâm đang ngày một hạn hẹp, bởi vậy sức hút của bất động sản thấp tầng khu vực nội thành không hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là nơi tập trung đông dân cư, thu nhập bình quân trên đầu người cao, nhu cầu thương mại, giải trí và dịch vụ cao cấp phong phú. Không thể phủ nhận, các sản phẩm biệt thự, liền kề hay shophouse, luôn là kênh lưu trú, tích lũy tài sản an toàn, dẫn đầu về tiềm năng kinh doanh và đầu tư sinh lời hiệu quả.

Tuy nhiên, việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cũng như lĩnh vực đất đai đã dẫn đến thực trạng khan hiếm quỹ đất sạch, pháp lý minh bạch và đáp ứng đầy đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh. Nhu cầu cao đi kèm với nguồn cung ít ỏi nên việc các dự án sở hữu vị trí đẹp, hạ tầng giao thông tốt, pháp lý hoàn chỉnh liên tục tăng giá mạnh, là quy luật tất yếu của thị trường.

Dẫn chiếu theo biểu đồ giá từ batdongsan.com.vn, nhóm các quận khu Tây và Tây Nam Hà Nội như Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông có xu hướng dẫn đầu về biên độ tăng giá trong vòng 5 năm gần đây. Với một quận mới như Hà Đông, giá biệt thự từ 72 triệu đồng/m2 lên 149 triệu đồng/m2, tăng trung bình 20,1%/năm. Giá nhà mặt phố từ 116 triệu đồng/m2 lên 185 triệu đồng/m2, tăng trung bình 10,2%/năm.

Cùng với đó, quận Thanh Xuân cũng đang thiết lập mặt bằng giá địa ốc rất cao, chứng kiến nhiều đợt tăng mạnh từ năm 2020, đặc biệt đối với dòng sản phẩm biệt thự, liền kề và nhà phố thương mại. Dữ liệu thống kê cho thấy, giá biệt thự tăng từ 126 triệu đồng/m2 lên 240 triệu đồng/m2, nhà mặt phố từ 191 triệu đồng/m2 lên 282 triệu đồng/m2, mức tăng chạm ngưỡng 70-90%/5 năm.

Nguồn: batdongsan.com.vn.
Nguồn: batdongsan.com.vn.

Lý giải về số liệu tăng trưởng trên, ông Vũ Trí Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản AHS Property cho biết: “Thanh Xuân là quận có mật đô dân số cao thứ 2 của thành phố Hà Nội (Theo Niên giám thống kê 2021 của Hà Nội) với 31.973 người/km2, được quy hoạch tốt về giao thông đô thị với các trục đường hướng tâm và các đường vành đai giúp Quận kết nối rất nhanh với các trung tâm hành chính, kinh tế của thành phố Hà Nội.

Đồng thời, quận Thanh Xuân cũng là địa bàn có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, cộng đồng dân trí cao nên tốc độ phát triển của các chỉ tiêu kinh tế xã hội cũng thuộc tốp đầu của Thành phố Hà Nội cùng với xu hướng dịch chuyển đô thị về phía Tây tựu chung khiến giá bất động sản của quận Thanh Xuân có tốc độ tăng cao hơn và bền vững hơn.”

GIÁ TĂNG, NHÀ PHỐ NỘI ĐÔ VẪN CÓ GIAO DỊCH

Sau hơn 1 năm tương đối trầm lắng của thị trường bất động sản thì thời gian gần đây cũng xác nhận các giao dịch sơ cấp và thứ cấp tại các dự án nhà ở thấp tầng ở khu vực Tây Hồ, Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Xuân,… Đó là các sản phẩm nhà phố thương mại nằm trong quần thể khu đô thị được quy hoạch đồng bộ về hạ tầng, tiện ích dịch vụ và giao thông thuận lợi.

Theo nhiều nhận định, phân khúc sản phẩm này luôn có tính thanh khoản cao và gần như miễn nhiễm với biến động của thị trường. Đây vẫn là phân khúc chiếm ưu thế trong mắt các nhà đầu tư có thâm niên, tiềm lực.

Hình ảnh phối cảnh nhà phố thương mại khu vực Tây Nam thành phố Hà Nội.
Hình ảnh phối cảnh nhà phố thương mại khu vực Tây Nam thành phố Hà Nội.

Cũng theo nhận định của ông Vũ Trí Anh, song song với việc tăng tốc phát triển quy hoạch hạ tầng trọng điểm, nhiều lô nhà phố khu vực này đã được chào bán thành công với mức giá cao hơn từ 15-20% so với cùng kì năm ngoái, thị trường giao dịch thứ cấp diễn ra nhộn nhịp hơn trước.

Một điểm đặc thù tại thời điểm này là các dự án bất động sản đủ điều kiện ra mắt khá hiếm hoi, nên nhìn chung số lượng giao dịch giai đoạn này không ồ ạt, hầu hết tập trung vào số ít dự án đẹp, tiến độ hoàn thiện nhanh, đầy đủ pháp lý. Hiệp hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), đã thẳng thắn đưa ra nhận định 2023 là giai đoạn các nhà đầu tư “tương đối thận trọng” khi xuống tiền. Chỉ những tài sản thực, giá trị thực mới là kênh đầu tư an toàn và tiềm năng sinh lời ổn định.

Nhìn lại bức tranh quy hoạch tổng thể, phía Tây - Nam Hà Nội đang trở thành điểm sáng. Liên tục nhiều dự án hạ tầng giao thông khu vực này đã và đang bứt phá về đích. Bản đồ quy hoạch giao thông đến năm 2030 đã công bố các tuyến đường vành đai 2, 2,5, vành đai 3 và mạng lưới đại lộ kết nối các vành đai luôn được cấp tập thi công.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã lưu ý mục tiêu đề ra: Hà Nội cần trình Quốc hội Quy hoạch Thủ đô thời kì 2021-2030, tại kỳ họp tháng 10/2023. Những tín hiệu đáng mừng trên đồng loạt thúc đẩy chất và lượng giao dịch, ngay cả khi giá thành được nhận định sẽ còn tăng mạnh.