Bất động sản Quảng Bình bao giờ mới “cất cánh”?
Quảng Bình trở thành điểm đến hấp dẫn của rất nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhờ quỹ đất rộng, hạ tầng phát triển cùng tiềm năng du lịch phong phú
Nếu như thời điểm năm 2016 - 2017, Đà Nẵng, Nha Trang… được coi là điểm nóng của thị trường bất động sản miền Trung thì những năm gần đây, Quảng Bình lại trở thành điểm đến hấp dẫn của rất nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhờ quỹ đất rộng, hạ tầng phát triển cùng tiềm năng du lịch phong phú.
Khi kinh tế khởi sắc
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10/2019 của UBND tỉnh Quảng Bình, tổng thu ngân sách trên địa bàn 10 tháng năm 2019 ước thực hiện 3.798 tỷ đồng, bằng 84,4% dự toán địa phương giao và tăng 37% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 10 tháng ước đạt 7.975 tỷ đồng, bằng 74,3% dự toán địa phương giao.
Đáng chú ý là các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn và cho vay phát triển kinh tế địa phương. Tổng số vốn huy động của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 10 ước đạt 41.098 tỷ đồng, tăng 1,7% so tháng trước và tăng 10,8% so đầu năm. Tổng dư nợ cho vay cuối tháng 10 ước đạt 53.990 tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 11,7% so đầu năm.
Cũng theo báo cáo này, tính chung 10 tháng năm 2019, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước tính thực hiện 3.099,9 tỷ đồng, tăng 1,9% so cùng kỳ.
Với thế mạnh về du lịch, trong vòng 10 tháng qua, tổng số lượt khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 4,4 triệu lượt khách, tăng 29% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 234,6 ngàn lượt khách, tăng 38% so cùng kỳ.
Với Quảng Bình, địa phương này hội tụ đủ các loại hình giao thông gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển. Đây thế mạnh giúp Quảng Bình tạo sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã chính thức chấp thuận cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) mở rộng sân bay Đồng Hới. Điều này có thể biến Quảng Bình trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn 2025 – 2030. Theo quy hoạch, dự án được đầu tư xây dựng với tổng số vốn khoảng 2.320 tỷ đồng, đưa sân bay này vào top 3 quy mô nhất miền Trung, chỉ sau Cam Ranh và Đà Nẵng. Công suất thiết kế đạt 3 triệu hành khách/năm.
Không chỉ hàng không phát triển, hạ tầng giao thông Quảng Bình trong thời gian tới còn phải kể đến hệ thống cao tốc Bắc – Nam phía Đông qua địa phương này. Theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông vận tải, một đoạn cao tốc Bắc – Nam qua Quảng Bình là đoạn từ Vạn Ninh (Quảng Bình) - Cam Lộ (Quảng Trị) sẽ đi trùng với đường Hồ Chí Minh và được đầu tư xây dựng vào giai đoạn sau năm 2020.
Về đường biển, Quảng Bình tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành cảng Hòn La để nâng cao năng lực thông qua đạt công suất 9,5 triệu tấn hàng hóa/năm, tăng cường năng lực thông qua cảng Gianh đạt 300 - 400 nghìn tấn hàng hóa/ năm, cho phép tàu 2.000 DWT ra vào...
Bất động sản sẽ "cất cánh"
Tiềm năng du lịch phong phú, cộng thêm hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, Quảng Bình giống như "hổ mọc thêm cánh" và đang trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã đề xuất thực hiện đầu tư dự án phát triển khu đô thị thông minh, tích hợp nhiều công nghệ tại Tp. Đồng Hới. Dự án có diện tích hơn 33ha, bao gồm các tòa nhà cao tầng, khu biệt thự, công viên, trường học… Đây được kỳ vọng sẽ là khu đô thị kiểu mẫu cho các khu đô thị hiện có trong tỉnh Quảng Bình và các tỉnh lân cận. Trước đó, giữa năm 2018 Vingroup đã đưa vào hoạt động dự án Vincom với trung tâm thương mại 5 tầng và khu shophouse tại Đồng Hới.
Đối với FLC, tiếp nối thành công của dự án FLC Quảng Bình Beach & Golf Resort, Tập đoàn này đang nghiên cứu triển khai dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng với tổng vốn đầu tư 1.535 tỷ đồng; dự án công viên mạo hiểm Faros 701,8 tỷ đồng; dự án dầu tư xây dựng công trình Club House 294,25 tỷ đồng; dự án công viên động vật hoang dã 302,4 tỷ đồng.
Cùng với FLC, TMS cũng đã được UBND tỉnh Quảng Bình trao quyết định đầu tư dự án TMS Quảng Bình Resort với tổng vốn đăng kí đầu tư 4.882 tỷ đồng. Những tập đoàn lớn khác như Đất Xanh, Pullman, Fusion, Trường Thịnh… cũng quan tâm đặc biệt đến cơ hội đầu tư vào tỉnh Quảng Bình để "đón gió" hạ tầng.
Theo ông Võ Quảng, chuyên gia phân tích thị trường Công ty Cổ phần Bất động sản Protech, thị trường Quảng Bình trong khoảng 2 năm trở lại đây đã bắt đầu trở thành "điểm sáng". Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý chính là việc Cầu Nhật Lệ 2 đi vào hoàn thành nối bờ Đông – Tây, Tp. Đồng Hới và Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Bình diễn ra thành công với hàng chục dự án bất động sản nghỉ dưỡng (tổng vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD) được trao chủ trương đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng cho rằng thị trường bất động sản Quảng Bình thời điểm này đang là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư. Theo ông Đính, ngoài các lợi thế về tiềm năng du lịch, Quảng Bình còn dư địa rất lớn do chưa bị khai thác nhiều, quỹ đất rộng kèm theo giá đất rẻ… chính là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản trong thời gian tới.
Ông Đính nhận định thị trường bất động sản Quảng Bình sẽ đặc biệt "bứt tốc" từ các dự án nghỉ dưỡng và du lịch. Trên thực tế cũng đã có nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào địa phương này. Đây chính là thời điểm tốt nhất cho các nhà đầu tư nếu đang nghĩ đến việc đầu tư vào thị trường bất động sản Quảng Bình.