13:47 31/01/2013

Bê bối ở ngân hàng lâu đời nhất thế giới

An Huy

Đương kim Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Thủ tướng Italy có thể gặp rắc rối vì vụ bê bối này

Không chỉ là ngân hàng “già” nhất thế giới, Monte dei Paschi còn là ngân hàng lớn thứ ba của Italy.
Không chỉ là ngân hàng “già” nhất thế giới, Monte dei Paschi còn là ngân hàng lớn thứ ba của Italy.
Quốc gia châu Âu Italy đang đối mặt với một vụ bê bối tại ngân hàng lâu đời nhất thế giới. Vụ bê bối này có thể ảnh hưởng tới kết quả của cuộc bầu cử của Italy vào tháng tới cũng như uy tín của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu (ECB) Mario Draghi.

Theo trang CNNMoney, vào tuần trước, nhà băng Monte dei Paschi di Siena thành lập năm 1427 tiết lộ một thông tin “động trời” là ngân hàng này có thể gánh khoản thua lỗ lên tới 720 triệu Euro, tương đương gần 1 tỷ USD, liên quan tới ba giao dịch phái sinh được tiến hành trong thời gian từ 2006-2009. Chi tiết của các giao dịch này bị bưng bít nên cơ quan chức năng của Italy và châu Âu hoàn toàn không hay biết.

Không chỉ là ngân hàng “già” nhất thế giới, Monte dei Paschi còn là ngân hàng lớn thứ ba của Italy. Năm ngoái, ngân hàng này buộc phải xin Chính phủ Italy hỗ trợ 3,9 tỷ Euro do không đáp ứng được các tiêu chuẩn cao hơn về vốn đối với các ngân hàng của châu Âu.

Trước đó, thua lỗ từ danh mục nắm giữ trái phiếu Chính phủ Italy đã khiến tình hình tài chính của Monte dei Paschi yếu đi. Nếu mất khả năng thanh toán loại trái phiếu đặc biệt đã phát hành, ngân hàng này có thể sẽ bị quốc hữu hóa.Giá cổ phiếu của Monte dei Paschi di Siena đã giảm 16% sau khi đạt đỉnh từ đầu năm vào ngày 7/1.

Tiết lộ nói trên đã làm dấy lên những tranh cãi xung quanh việc ai đã biết gì về các giao dịch này, và vào lúc nào. Trong đó, hai nhân vật là Thủ tướng Italy, ông Mario Monti và đương kim Chủ tịch ECB Mario Draghi là những người “chịu trận” nhiều nhất.

Ông Draghi, người được đánh giá cao trong vai trò kiểm soát cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu vào năm ngoái, là người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Italy ở vào thời điểm mà các giao dịch phái sinh nói trên diễn ra. Hiện ông đang chuẩn bị đảm nhiệm vai trò người đứng đầu cơ quan giám sát ngân hàng chung của Liên minh châu Âu (EU) sắp được thành lập.

Ông Giulio Tremonti, cựu Bộ trưởng Bộ Kinh tế dưới thời Thủ tướng Silvio Berlusconi, đã xem thất bại của ông Draghi trong việc ngăn chặn những giao dịch này khi còn đương nhiệm ở Ngân hàng Trung ương Italy là một cú sốc.

ECB từ chối đưa ra bình luận về vụ việc. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Italy cáo buộc lãnh đạo cũ của ngân hàng Monte dei Paschi đã che đậy những thông tin quan trọng. Những thông tin này về sau đã được ban lãnh đạo mới của Monte dei Paschi công bố.

Hôm thứ Ba vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Italy, ông Vittorio Grilli, đã phát biểu trước Quốc hội rằng, vào năm 2010, Ngân hàng Trung ương nước này đã ngăn chặn không cho Monte dei Paschi thực hiện các giao dịch tương tự như ba giao dịch gây thua lỗ. Ông Grilli đồng thời cũng phủ nhận những nhận định cho rằng, vụ bê bối này làm gia tăng những câu hỏi về sự ổn định hệ thống ngân hàng của Italy.

Về phần mình, đương kim Thủ tướng Monti đã hứng chịu sự chỉ trích từ phía đối thủ chính trị Silvio Berlusconi vì đã nhất trí hỗ trợ cho Monte dei Paschi. Ông Monti đã đưa Italy vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ công vào năm ngoái. Ông sẽ tiếp tục đứng ra tranh cử chức Thủ tướng trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng tới ở Italy.

Trong khi đó, ông Monti cũng lên tiếng chỉ trích đảng Dân chủ trung tả, đảng chính trị hiện đang có tỷ lệ ủng hộ dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri Italy, về việc đảng này có liên hệ mật thiết với ngân hàng Monte dei Paschi. Các chính trị gia của đảng Dân chủ Italy nắm quyền kiểm soát cổ đông lớn nhất của ngân hàng này.

Italy đang bước vào năm 2013 với nhiều thách thức. Nền kinh tế nước này đã suy thoái 5 quý liên tục, có khả năng đã suy giảm 2,4% trong năm 2012. Theo dự báo, kinh tế Italy tiếp tục suy giảm trong năm nay.

Giới đầu tư hy vọng, cuộc bầu cử sắp tới sẽ đem tới cho Italy một chính phủ tiếp tục theo đuổi chính sách tài khóa thắt chặt và cải cách mà ông Monti đã đưa ra vào năm ngoái. Đảng Dân chủ do ông Pier Luigi Bersani đứng đầu ủng hộ nhiều cải cách của ông Monti và có thể thành lập liên minh với ông Monti.

Tuy vậy, tỷ lệ ủng hộ của các cử tri Italy dành cho ông Bersani có thể giảm do vụ bê bối của ngân hàng Monte dei Paschi, xói mòn những nỗ lực của ông trong cuộc tìm kiếm đa số ghế tại Quốc hội, nhất là trong trường hợp đảng của ông thất thế trước đối thủ Berlusconi trong cuộc đua tại một số địa phương.