08:01 27/06/2022

Bệ đỡ để đất Chín Rồng “cất cánh”

Nguyễn Quốc Uy

Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị cùng Chương trình hành động của Chính phủ theo Nghị quyết số 78/NQ-CP không chỉ là hành lang pháp lý mà còn là kim chỉ nam, là “cẩm nang” để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong thế đi lên cùng cả nước...

Ngày 18/6/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ, chính thức ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đường lối lãnh đạo của Đảng về định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được thể chế hóa bằng nghị quyết của cơ quan hành pháp Trung ương, tạo hành lang pháp lý để biến khát vọng phát triển của gần 20 triệu dân vùng châu thổ sông Cửu Long thành hiện thực.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước, gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với diện tích tự nhiên 40,6 nghìn km2, chiếm 12% diện tích tự nhiên của cả nước, dân số 17.273.630 người (bằng gần 18% dân số cả nước, theo kết quả điều tra dân số công bố ngày 1/4/2019). Tuy diện tích và số dân chỉ chiếm tỷ lệ “khiêm tốn” so với cả nước, nhưng vùng châu thổ này là trung tâm sản xuất lớn nhất cả nước về nông nghiệp và kinh tế biển, đóng góp gần 50% sản lượng thóc, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% lượng cá xuất khẩu và 70% trái cây các loại của cả nước.

Nước ta được chia thành nhiều vùng, miền, dựa trên vị trí địa lý và đặc điểm địa hình. Mỗi vùng, miền có những khó khăn cùng tiềm năng, lợi thế và điều kiện thuận lợi riêng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đảng và Nhà nước quan tâm đến tất cả, thể hiện bằng các định hướng chiến lược phát triển đối với từng vùng, miền, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi để phát huy được tiềm năng và thế mạnh vùng, miền, lại phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể của cả quốc gia.

Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được cụ thể hóa bằng chương trình hành động của Chính phủ theo Nghị quyết số 78/NQ-CP, đã hoạch định chiến lược phát triển cho vùng lãnh thổ quan trọng này của đất nước.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng trong giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm, xấp xỉ tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm của cả nước trong giai đoạn này. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuê và trợ cấp khoảng 2%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42 - 48%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp đạt 75 - 80%; tỷ lệ nghèo giảm 1,5 - 2%/năm. Cơ sở giáo dục đạt chuẩn: 75% mầm non, 70% tiểu học, 80% trung học cơ sở, 90% trung học phổ thông. Đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 7,5%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 98 - 100%, ở nông thôn đạt 70%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại từ đô thị và công nghiệp đạt 100%.

Các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong phương hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long nêu tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, được cụ thể hóa bằng chương trình hành động của Chính phủ, hoàn toàn phù hợp với điều kiện, tiềm năng và khả năng của vùng, nên có tính khả thi cao,  khai thác và phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng nói riêng và của toàn  vùng  nói chung, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Phương hướng phát triển nêu tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, được cụ thể hóa bằng Chương trình hành động của Chính phủ, khi được hiện thực hóa, sẽ làm thay đổi hẳn diện mạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, nhất là hệ thống điện, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, với Thành phố Cần Thơ là trung tâm phát triển vùng có dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến hiện đại, cùng chuỗi các thành phố Mỹ Tho, Tân An, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau và Sóc Trăng là các trung tâm tổng hợp, chuyên ngành, trong khi Phú Quốc sẽ thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị cùng Chương trình hành động của Chính phủ theo Nghị quyết số 78/NQ-CP không chỉ là hành lang pháp lý mà còn là kim chỉ nam, là “cẩm nang” để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong thế đi lên cùng cả nước.

Với “bệ đỡ’ vững chãi này, vùng đất Chín Rồng sẽ tự tin “cất cánh” để biến khát vọng phát triển thành hiện thực.