11:33 17/05/2018

Bia Hà Nội kinh doanh ngày càng đi xuống

KIỀU LINH

Loạt chỉ tiêu kinh doanh của Bia Hà Nội đang cho thấy xu hướng suy giảm

Những chai bia Hà Nội 450 ml đỏ không còn là sản phẩm được thị trường chào đón nồng nhiệt như xưa.
Những chai bia Hà Nội 450 ml đỏ không còn là sản phẩm được thị trường chào đón nồng nhiệt như xưa.

Không phải đến năm nay Habeco mới thể hiện rõ ràng sự yếu đuối của mình ngay trên sân nhà so với các đối thủ trên thị trường như Sabeco, Heineken, Carlsberg…

Lợi nhuận Habeco ngày càng vơi 

Năm 2016, doanh nghiệp đứng đầu thị trường miền Bắc (Habeco - mã chứng khoán BHN - HOSE) đón nhận một năm kinh doanh "giật lùi" với số lợi nhuận chỉ đạt hơn 720 tỷ đồng, giảm 20% so với năm liền kề trước đó. Con số này là mức thấp nhất kể từ năm 2010 của Habeco. Năm 2012 lợi nhuận của Habeco từng tiến sát mốc 1.000 tỷ đồng.

Báo cáo thường niên năm 2017 của Habeco cho thấy, tình hình kinh doanh tiếp tục lao dốc. Tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu đạt 418,9 triệu lít, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó bia các loại chiếm 479 triệu lít. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 7.867,4 tỷ đồng, giảm 11,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 657,8 tỷ đồng, giảm 32,9% so với năm 2016. 

Tại thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của tổng công ty đạt 7.195 tỷ đồng, tăng 1,35% so với cùng kỳ năm trước. Nợ phải trả là 3.658,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 50,84% trên tổng nguồn vốn.

Năm 2018, Habeco tiếp tục không mấy lạc quan khi đặt mục tiêu lợi nhuận giảm 8%,  xuống còn 607,3 tỷ đồng. Nếu so với năm 2010, thì lợi nhuận của Habeco giảm gần một nửa. Sản lượng tiêu thụ sản phẩm chính ước đạt 500 triệu lít, trong đó sản phẩm thương hiệu bia Hà Nội các loại ước đạt khoảng 496,3 triệu lít, tăng 17,3 triệu lít so với năm 2017. 

Tính từ năm 2010 đến nay, thị phần của Habeco cũng giảm liên tục từ mức gần 20% năm 2010 xuống còn 18% trong khi sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam lại không ngừng tăng.

Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Sabeco đang nắm giữ trong tay 40% thị phần bia Việt Nam, Heineken nắm 25%. Habeco rớt xuống vị trí thứ 3 với 18%. Riêng Carlsberg nắm giữ 10,8% thị phần. Ngoài ra, thị trường còn có sự góp mặt của các tên tuổi khác như Sapporo, AB InBev, Masan...

Vì lỗi mốt?

Với những người am hiểu, việc Habeco mất dần thị phần vào tay các đối thủ là bởi thiếu đường lối chính sách để phát triển trong những năm gần đây. Mạng lưới phân phối của Habeco còn khiêm tốn, chủ yếu là khu vực miền Bắc và một phần miền Trung. Trong khi đó, những năm gần đây, Sabeco và Heineken liên tiếp tấn công vào thị trường này, khiến Habeco bị bao vây. Lãnh đạo Sabeco từng thừa nhận, năm 2018, Sabeco có mục tiêu tăng thị phần tại miền Bắc lên 30% thay cho 21% của năm 2017. 

Dù mạnh tay cả năm 2017 chi 559,2 tỷ đồng cho quảng cáo nhưng hiệu quả hoạt động marketing của Habeco không cao. Trong báo cáo của mình, lãnh đạo Habeco liệt kê hàng loạt các chương trình quảng bá sản phẩm, tham gia hội chợ, sự kiện như lễ hội Bia Hà Nội tại Quảng Trị, Thanh Hoá và Hà Nội. Phát triển thêm thị trường mới ở vùng sâu, vùng xa, mở rộng sức chứa kho của Thanh Hoá, Phú Xuyên, Nam Định, mở thêm 2 kho mới Ninh Bình, Tuyên Quang…

Tuy thế, sản lượng tiêu thụ bia các loại giảm, mà chủ yếu là do bia chai 450 đỏ. Tỷ trọng tiêu thụ bia chai 450 đỏ trong tổng sản lượng tiêu thụ bia thương hiệu Hà Nội đã giảm từ 47,7% năm 2016 xuống còn 39,6% trong năm 2017. Tốc độ tiêu thụ sụt giảm trên toàn bộ 32 thị trường.

Nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm bia chai Hà Nội 450ml, theo nhận định của Habeco, là do thay đổi xu hướng tiêu dùng sang sản phẩm bia cao cấp, từ dung tích lớn sang dung tích nhỏ. Trong khi đó, sản phẩm của Habeco chưa đáp ứng được nhu cầu, dung tích lớn, giá bình dân, thương hiệu truyền thống không còn phù hợp. Cùng với việc chưa được quản lý chặt chẽ giá bán cũng khiến kinh doanh sản phẩm Bia chai 450 đỏ không có lãi.

Cộng dồn tất cả những yếu tố trên là nguyên nhân khiến khả năng sinh lời của Habeco không hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Trong những năm gần đây, khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Habeco có xu hướng giảm từ 19,25% năm 2014 xuống còn 14,53% trong năm 2017. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) giảm từ 10,93% năm 2014 xuống còn 6,84% năm 2017.  

Trong khi đó, hai chỉ tiêu này của đối thủ Sabeco liên tục tăng mạnh, năm 2017, ROE và ROA của Sabeco lần lượt là 32,67% và 21,4%. Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng vốn chủ của Habeco đang yếu hơn đối thủ đáng kể và mức chênh lệch này đang ngày càng được nới rộng. 

Trong năm 2018, công ty sẽ xây dựng chiến lược thương hiệu, thiết kế lại nhãn hiệu các sản phẩm Bia Hà Nội, Hanoi Beer Premium và Bia Trúc Bạch theo hướng hiện đại và hợp thời hơn.