09:48 25/11/2013

Biển Hoa Đông lại dậy sóng

Thanh Hải

Tokyo không thừa nhận ADIZ trên biển Hoa Đông của Bắc Kinh

Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông vừa được Trung Quốc thiết lập bao gồm cả quần đảo tranh chấp với Nhật Bản - Ảnh: News.<br>
Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông vừa được Trung Quốc thiết lập bao gồm cả quần đảo tranh chấp với Nhật Bản - Ảnh: News.<br>
Mỹ, Nhật, Hàn lên án việc Trung Quốc hôm 23/11 công bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, cho rằng quyết định đó có thể làm tăng căng thẳng ở vùng biển đầy sóng gió này.

Tân Hoa Xã hôm 23/11 cho biết, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra một thông cáo về việc lập ADIZ ở Hoa Đông cùng các quy định đối với khu vực này. Vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc vừa thiết lập bao trùm cả khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tâm điểm trong cuộc tranh chấp chủ quyền gay gắt giữa nước này và Nhật Bản lâu nay.

Theo giới phân tích, động thái này của Bắc Kinh được cho là nhằm đáp trả việc Tokyo hồi tháng 10 lên kế hoạch cho phép lực lượng phòng vệ bắn hạ máy bay không người lái nước ngoài xâm phạm không phận và phớt lờ cảnh cáo. Giới quan sát nhận định động thái trên có thể làm tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản thêm căng thẳng.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tá Dương Vũ Quân, tuyên bố rằng, "việc xác lập ADIZ là biện pháp thông dụng quốc tế, không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu nào, không ảnh hưởng đến việc bay tự do trên vùng không phận liên quan". Và, "Trung Quốc sau khi hoàn tất các công tác chuẩn bị, sẽ thiết lập các ADIZ khác".

Theo Tân Hoa Xã, thông cáo nêu rõ các máy bay di chuyển qua vùng ADIZ phải báo cáo kế hoạch bay cho bộ ngoại giao hoặc cơ quan hàng không dân dụng nước này. Trong quá trình bay qua ADIZ, các máy bay phải đảm bảo liên lạc radio thông suốt hai chiều, cần trả lời ngay lập tức và đúng mực với các yêu cầu nhận dạng của cơ quan quản lý.

Ngoài ra, nếu máy bay có bộ phát đáp radar thứ cấp, thì cần đảm bảo thiết bị này hoạt động khi bay qua ADIZ. Máy bay cũng cần trang bị logo, cờ hiệu theo các tiêu chuẩn quốc tế. Thông cáo nêu rõ, nếu máy bay nào không hợp tác hoặc từ chối tuân theo chỉ dẫn, lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ thực hiện những biện pháp phòng thủ khẩn cấp.

Tân Hoa Xã cho biết, những quy định trên có hiệu lực từ 10 giờ sáng 23/11. Cùng ngày, báo chí Trung Quốc đưa tin về chuyến bay tuần tra đầu tiên của không quân nước này sau khi lập ADIZ. Đây là chuyến bay tuần tra sử dụng máy bay do thám, máy bay cảnh báo sớm, và phản lực chiến đấu. Tuy nhiên, địa điểm bay tuần tra không được nêu rõ.

Ngay sau khi thông cáo trên được phát đi, Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Junichi Ihara đã gọi điện cho Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản để bày tỏ phản đối. Ông Ihara nhấn mạnh rằng, động thái “vô cùng nguy hiểm” này của Trung Quốc sẽ làm leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.

Cố vấn Văn phòng Nội các Nhật Bản Tomohiko Taniguchi tuyên bố, "bằng việc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã làm leo thang khả năng đụng độ giữa quân đội Trung Quốc và quân đội của các nước đối tác với Mỹ và Nhật Bản. Trung Quốc đã thách thức nghiêm trọng quyền tự do đi lại trên không và trên biển trong khu vực này”.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhận định, việc Trung Quốc bất ngờ công bố việc thành lập ADIZ ở Hoa Đông "có thể dẫn đến những tình huống hết sức nguy hiểm". Theo ông Onodera, Chính phủ Nhật Bản cũng cần có hành động để phản ứng bởi vì có nhiều chuyến bay dân sự bay qua khu vực này.

Trong tuyên bố hôm 24/11, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố, Tokyo không thừa nhận ADIZ, đồng thời cảnh báo động thái mới của Bắc Kinh có thể gây ra những "biến cố khó lường".

Cùng với Nhật Bản, Mỹ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về động thái của Bắc Kinh. Theo hãng tin AFP, từ Geneva (Thụy Sỹ) hôm 23/11, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ John Kerry cho rằng, "hành động đơn phương này là ý định thay đổi hiện trạng tại khu vực biển Hoa Đông. Hành động leo thang kiểu này sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực".

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, do đó Washington sẽ bảo vệ đồng minh nếu khu vực này bị tấn công. Theo ông, Mỹ không đồng ý với tuyên bố về ADIZ của Trung Quốc và nó sẽ không thể thay đổi cách Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng Caitlin Hayden cho rằng, diễn biến mới này càng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, ảnh hưởng tới quyền lợi của Mỹ và các đồng minh. Bà nói, Mỹ đã bày tỏ quan ngại với Trung Quốc, đồng thời đang phối hợp với đồng minh, bạn hữu trong khu vực trước các diễn biến đáng lo ngại này.

Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, bộ quốc phòng nước này đã lấy làm tiếc trước hành động đơn phương của Trung Quốc vì ADIZ trên biển Hoa Đông bao gồm cả không phận trên bãi đá Ieodo/Tô Nham Tiêu đang tranh chấp giữa 2 bên, cũng như chồng lấn lên vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc ở phía tây đảo Jeju.