09:55 18/09/2015

Biểu giá điện mới nên sửa thế nào?

Việt Anh

Tuy EVN đưa ra 3 phương án, nhưng thực chất chỉ có hai, vì phương án một khả năng cao sẽ bị bác bỏ

Phương án hai do EVN đưa ra khá bất ngờ, là chỉ áp dụng một mức giá đồng nhất 1.747 đồng/kWh cho mọi đối tượng, không còn bậc thang, và đây là mức giá bán điện bình quân hiện hành. <br>
Phương án hai do EVN đưa ra khá bất ngờ, là chỉ áp dụng một mức giá đồng nhất 1.747 đồng/kWh cho mọi đối tượng, không còn bậc thang, và đây là mức giá bán điện bình quân hiện hành. <br>
Đề án sửa đổi biểu giá điện hiện hành (ban hành kèm quyết định tăng giá điện vào ngày 12/3/2015 của Bộ Công Thương) đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) soạn thảo và công bố, với 3 phương án.

Tuy nhiên, theo một số ý kiến, đề án này có nhiều điều phải sửa đổi, bổ sung cho hợp lý với biểu giá điện.

Sửa thì sửa, nhưng phải có lãi

Theo EVN, biểu giá điện hiện hành có một số tiến bộ so với trước đây, như tăng tỷ lệ so với giờ bán bình quân giờ thấp điểm cho sản xuất, giảm tỷ lệ so với giá bán bình quân cho kinh doanh, dịch vụ; có sự hỗ trợ cho hộ nghèo (hỗ trợ tiền điện 30 ngàn đồng/tháng)… Nhưng biểu giá này có nhiều nhược điểm.

Thứ nhất, biểu giá hiện hành có quá nhiều bậc thang (6 bậc), nên theo EVN, gây phức tạp trong thanh toán tiền điện.

Thứ hai, theo EVN, với biểu giá này, lượng điện tiêu thụ càng cao, việc áp mức giá cao ngược với logic tiêu dùng hàng hóa thông thường là càng mua nhiều càng rẻ, dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, dẫn đến khó thông cảm. Và chính vì nhiều bậc thang nên việc ghi chỉ số công tơ nếu không cẩn trọng dễ có sai sót khi tính số tiền điện thanh toán, dễ gây bức xúc.

Thứ ba, về mặt kỹ thuật, theo EVN, bảng giá điện theo cấp điện áp cũng chưa đạt được sự thống nhất trong quản lý giữa quy định về cấp điện áp tính giá điện (4 cấp) và cấp điện áp danh định (3 cấp) trong lưới phân phối theo quy định hiện hành của Bộ Công Thương.

Ngoài ra, theo EVN, với biểu giá điện hiện hành, có quá nhiều đối tượng áp giá và mức giá nên gây khó khăn cho các đơn vị khi áp giá để ký kết hợp đồng mua bán điện.

“Việc phân chia theo đối tượng ngành nghề, cũng gây khó khăn cho việc áp giá, khó thực hiện, dễ nảy sinh tiêu cực. Biểu giá bán buôn cũng quá chi tiết, phức tạp, có quá nhiều mức giá với sản lượng điện nhỏ nên cần cải tiến theo hướng gọn hơn”, EVN tự đánh giá.

Với hàng loạt bất cập được nêu, lại qua nhiều tháng thực hiện kể tử đầu năm đến nay, có những vấn đề phát sinh từ thực tế, có những bức xúc từ dư luận, nên việc sửa đổi biểu giá điện đã được Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trực tiếp yêu cầu thực hiện.

Chấp hành chỉ đạo, EVN đã đưa ra biểu giá điện cải tiến. Theo tập đoàn này, việc biểu giá điện do đó phải cải tiến toàn diện cho phù hợp với yêu cầu của thị trường bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh, đảm bảo thuận lợi cho hộ tiêu dùng điện, cho quản trị doanh nghiệp, giảm bù chéo giữa các đối tượng khách hàng…

Nhưng EVN vẫn không quên nhấn mạnh: “Đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh (giá bán điện phải cao hơn giá thành sản xuất, kinh doanh điện)”.

Phương án nào hợp lý?

Tuy EVN đưa ra 3 phương án, nhưng thực chất chỉ có hai, vì phương án một là giữ nguyên như hiện hành thì khả năng cao sẽ bị bác bỏ với hàng loạt những bất cập mà chính tập đoàn này chỉ ra và lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã không chấp nhận.

Phương án hai do EVN đưa ra khá bất ngờ, là chỉ áp dụng một mức giá đồng nhất 1.747 đồng/kWh cho mọi đối tượng, không còn bậc thang, và đây là mức giá bán điện bình quân hiện hành.

Với phương án này, các hộ sử dụng dưới 240 kWh/tháng sẽ bị tác động tăng tiền điện phải trả hàng tháng, trong đó mức tác động thay đổi theo mức độ sử dụng điện của các hộ.

Hộ bị tác động cao nhất là hộ sử dụng tới 100 kWh/tháng, sau đó, mức độ tăng giảm dần và điểm hòa không bị tác động là sử dụng 240 kWh/tháng. Các hộ sử dụng trên 240 kWh/tháng được hưởng lợi hơn do càng sử dụng nhiều điện càng được lợi hơn là biểu giá điện hiện nay (vì với biểu giá điện hiện hành, mức giá điện với hộ dùng trên 200 kWh/tháng sẽ cao hơn mức đồng giá).

Phương án này được cho là dễ áp dụng, dễ ghi số công tơ, nhưng lại bất lợi cho các hộ nghèo và không tạo áp lực tiết kiệm điện.

Phương án ba, EVN đưa ra tới 5 kịch bản khá phức tạp, với việc rút 6 bậc thang điện về 3 hoặc 4 bậc, được cho là vẫn tạo áp lực tiết kiệm điện và thực hiện được chính sách an sinh xã hội với các hộ nghèo.

“3 bậc là tốt nhất”

Nhất trí với quan điểm là phải sửa đổi biểu giá điện hiện hành, nhưng ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, không thể áp dụng phương án hai (đồng giá).

“Phương án này rất ít nước áp dụng, vì tất cả các đối tượng sử dụng từ các hộ nghèo, hộ cần nghèo, người có thu nhập cao, doanh nghiệp… đều áp dụng một mức là không đúng”, ông Ngãi nói.

Theo ông, vẫn cần chia bậc thang giá điện, nhưng nên áp dụng ở chia 3 bậc. “6 bậc là nhiều quá, rất rối, khoảng cách giữa các bậc thang giá điện quá ngắn, phức tạp cho việc thu, hạch toán tiền điện. Nhưng chia 3 bậc thì cũng phải cải tiến, để người nghèo cũng không bị ảnh hưởng, người thu nhập cao không lo, mà EVN cũng vẫn có lợi”.

“Hội đồng khoa học của hiệp hội chúng tôi đã họp và đều đánh giá như vậy. Theo tôi, 3 bậc nên thế này: bậc 1 từ kWh đầu đến kWh thứ 150; bậc 2 từ kWh thứ 151 đến kWh thứ 250 và bậc 3 là từ kWh trên 250 trở đi, với mức giá tối đa 2.500 đồng/kWh. Bậc 1 thì chủ yếu áp dụng cho hội nghèo, người làm công ăn lương…, bậc 2 cho người có thu nhập khá hơn chút, và bậc 3 trở lên là người có thu nhập cao. Hầu hết các nước hiện nay đều áp dụng biểu giá điện 3 bậc”, chuyên gia này góp ý.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, giữ nguyên 6 bậc thang giá điện như hiện hành là không thể chấp nhận.

“Thực tế người dân đã phải trả giá điện cao trong mùa hè vừa rồi do hậu quả của bậc thang lũy tiến này. Do đó, bắt buộc phải thay đổi để người dân giảm bớt thiệt hại”, ông Doanh nói.

Ông cũng không đồng tình với phương án hai vì không còn phương tiện khuyến khích tiết kiệm điện. Theo ông, biểu giá điện nếu để 3 bậc là tốt nhất, nhưng cũng phải thiết kế mức độ lũy tiến sẽ là bao nhiêu, khoảng cách bậc thang có đủ nới rộng để người dân có thể được sử dụng các thiết bị điện theo nhu cầu cuộc sống ngày càng hiện đại, mà không phải chi trả quá nhiều.

“Trước đây quy định 50 KWh là mức sử dụng thấp nhất đối với các hộ gia đình, nhưng nay mức này không còn hợp lý nữa. Nên cần nới rộng một cách hợp lý với thực tế sử dụng điện của người tiêu dùng. Nếu hạ bậc thang nhưng đối tượng người tiêu dùng bình dân vẫn phải trả giá cao thì cần xem xét lại”, ông Doanh nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì cho rằng, biểu giá điện hiện hành là quá bất hợp lý, vì nó đẩy mức giá điện thực tế tăng cao hơn mức tăng 7,5% mức giá điện bình quân đang áp dụng, và làm thiệt cho người tiêu dùng.

Theo ông, vẫn nên áp dụng biểu giá lũy tiến nhưng ít bậc hơn, nhưng quan trọng nhất là hệ số, mức giá điện ở mỗi bậc được xác định không được cao quá so với giá điện bình quân.

“Biểu giá điện vừa qua khiến mức tăng ở một số bậc quá cao, như từ kWh thứ 101 đến 300 là 19%, trong khi giá điện bình quân chỉ tăng 7,5% là rất thiệt cho người tiêu dùng. Và qua lần tính này, mới thấy, giá điện bình quân đúng là 1.734 đồng/kWh chứ không phải là 1.622 đồng/kWh như xác định ban đầu”, ông Long nói.