BlackBerry "ăn nên làm ra" kể từ khi dừng sản xuất smartphone
Không còn là một nhà sản xuất smartphone, BlackBerry đã thoát khỏi “cửa tử” và đang phát triển mạnh mẽ
BlackBerry không còn là một hãng sản xuất điện thoại thông minh (smartphone), và đó thực sự là một điều tuyệt vời đối với các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của công ty này - trang CNN Business cho hay.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu vừa rồi, giá cổ phiếu BlackBerry có lúc tăng hơn 10% sau khi công ty công bố lợi nhuận và doanh thu vượt dự báo. Ngoài ra, hãng cũng nâng dự báo lợi nhuận và doanh thu cho tài khóa hiện tại. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu BlackBerry đã tăng hơn 40%.
Và đây là chìa khóa đưa BlackBerry tới thành công: dịch chuyển từ lĩnh vực kinh doanh phần cứng với mức độ cạnh tranh khốc liệt sang lĩnh vực phần mềm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều, đặc biệt là phần mềm về an ninh mạng và Internet kết nối vạn vật (IoT).
"Mọi người vẫn xem BlackBerry là một công ty sản xuất điện thoại di động", Tổng giám đốc (CEO) John Chen của BlackBerry phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN Business. "Nhưng phần lớn trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi giờ đây là an ninh mạng".
Kể từ khi được trao vai trò chèo lái BlackBerry vào năm 2013, ông Chen đã thực hiện một cuộc cải tổ nhằm tập trung hoạt động vào lĩnh vực phần mềm. BlackBerry vì vậy đã dừng sản xuất smartphone vào năm 2016 và chuyển giao hoạt động này cho đối tác.
Phần lớn doanh thu hiện nay của BlackBerry đến từ hoạt động cung cấp phần mềm và dịch vụ cho các doanh nghiệp lớn, cũng như cấp phép.
Gần đây, BlackBerry thâu tóm Cylance, một công ty hàng đầu về sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning) cho an ninh mạng, cung cấp nhiều sản phẩm cho các ngân hàng.
Ông Chen nói với CNN Business rằng BlackBerry có thể thực hiện thêm các vụ thâu tóm quy mô nhỏ khác để bổ sung cho hoạt động kinh doanh của Cylance, cũng như QNX - phần mềm của BlacBerry dùng cho hệ thống thông tin và giải trí trên xe hơi.
Thông điệp mà BlackBerry đang gửi tới Phố Wall là rất rõ ràng.
Vào thời điểm trước khi ông Chen trở thành CEO BlackBerry, sự tồn tại của công ty đã bị hoài nghi, bởi khi đó công ty đang trong tình trạng thua lỗ liên miên.
Giờ đây, BlackBerry đã thoát khỏi "cửa tử" và đang phát triển mạnh mẽ.
"Chúng tôi đã qua giai đoạn hồi phục. Giờ chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội đầu tư", ông Chen nói.