Blockchain tạo nền tảng cho mô hình kinh doanh mới
Nhiều lĩnh vực thử nghiệm, triển khai, đặt niềm tin vào blockchain
Ngày càng có thêm nhiều tổ chức, ngành nghề, lĩnh vực đang dành sự quan tâm, cân nhắc, thử nghiệm hoặc tích cực tham gia vào các dự án công nghệ blockchain - một phương thức giao dịch hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội, tạo nền tảng cho các mô hình kinh doanh mới.
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu giá trị kinh doanh IBM, dựa trên kết quả khảo sát 3.000 CEO toàn cầu, 33% các tổ chức trong nhiều ngành và lĩnh vực đang cân nhắc hoặc đang tích cực tham gia vào các dự án blockchain.
Với các "nhà thám hiểm" blockchain (8% các tổ chức tiên phong đang thử nghiệm, thí điểm hoặc triển khai blockchain), các kết quả đã phần nào minh chứng cho việc đặt niềm tin vào xu hướng công nghệ còn đang rất mới mẻ này.
Blockchain đang biến sự bất ổn của các công nghệ mang tính đột phá thành lợi thế cạnh tranh. Có 6 trong số 10 "nhà thám hiểm" blockchain cho biết, công nghệ mới này tạo ra sự tin tưởng và minh bạch hơn trong cả các dữ liệu lẫn giao dịch.
Dữ liệu ghi trong blockchain có thể xác minh mặt hàng rượu đã được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ thích hợp như thế nào trong quá trình đợi làm thủ tục.
Tương tự như vậy, trong khi hàng hoá quá cảnh làm thủ tục hải quan và kho cảng, nếu các tổ chức biết rõ vị trí của hàng hoá theo thời gian thực thì họ có thể tự động tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Chứng minh nguồn gốc xuất xứ trong blockchain sẽ giúp ngăn chặn việc mặt hàng linh kiện bán dẫn giả tràn ngập thị trường hoặc bệnh tật bùng phát do thực phẩm bị ô nhiễm.
Ở Trung Quốc, Walmart đang thí điểm một dự án blockchain theo dõi nguồn gốc xuất xứ thịt lợn từ trang trại đến nhà máy trên toàn bộ chuỗi cung ứng, thu thập những dữ liệu như nhiệt độ lưu kho và ngày hết hạn.
Nghiên cứu khảo sát cũng cho thấy, blockchain tạo nền tảng cho các mô hình kinh doanh mới. Bằng chứng là các công ty có tầm nhìn đang tìm kiếm những cách thức hoàn toàn mới để làm việc với blockchain.
Blockchain đặc biệt phù hợp với các khách hàng, đối tác và thậm chí là các đối thủ cạnh tranh, chia sẻ dữ liệu theo những cách làm phát triển các dịch vụ mới mang tính cá nhân hoá.
Vừa qua, 6 ngân hàng hàng đầu tại Canada đã cùng tạo ra một dịch vụ nhận dạng số mà khách hàng có thể sử dụng để mở các tài khoản với các doanh nghiệp khác như nhà mạng di động hoặc dịch vụ điện, nước.
Các ngân hàng đã làm việc với các cơ quan quản lý để cho phép các ngân hàng khác sử dụng chìa khóa nhận dạng. Khi khách hàng sử dụng chìa khoá nhận diện kỹ thuật số tại các tổ chức ngoài ngành, các ngân hàng sẽ thu một khoản phí.
Nền tảng này mang lại lợi ích cho tất cả các bên, vừa dễ sử dụng cho các cá nhân, vừa tạo ra nguồn thu nhập cho các ngân hàng, vừa nhanh chóng xác minh danh tính và lịch sử của khách hàng mới hoặc các tổ chức khác sử dụng chung nền tảng.
Nếu như dịch vụ thử nghiệm này thành công, trong năm 2018 người tiêu dùng Canada sẽ có thêm lựa chọn là tham gia vào mạng lưới nhận dạng dựa trên blockchain qua một app di động.
Ông Eric CW Yeo, Tổng giám đốc IBM Việt Nam cho rằng, các mô hình kinh doanh mới dựa trên blockchain có thể giúp gây dựng lại lòng tin một cách nhanh chóng, miễn là tất cả các bên chia sẻ một số lợi thế kinh tế.
Các tổ chức nên bắt đầu bằng việc xác định các cơ hội mới để kiếm tiền từ dữ liệu và các mô hình thanh toán thay thế.
Maersk, một công ty hàng đầu trong lĩnh vực vận tải và hậu cần, đang tung ra một nền tảng blockchain kết nối hệ sinh thái chuỗi cung ứng gồm các chủ hàng, nhà giao nhận vận tải, các hãng vận tải biển, cảng biển và cơ quan hải quan.
Điều này không chỉ là giảm chi phí cho người tiêu dùng mà còn làm cho thương mại toàn cầu có thể tiếp cận với nhiều đối tượng tham gia hơn từ các nước.
Ở lĩnh vực viễn thông, blockchain cũng đang hứa hẹn mở ra các lợi ích lớn và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang ngày càng chú ý hơn tới công nghệ mới này.
Mặc dù công nghệ này còn khá mới mẻ nhưng nhiều nhà lãnh đạo đã sớm nhìn thấy những tác động tiềm năng của nó đối với tổ chức của họ.
Trong báo cáo mới đây về cải tiến công nghệ Blockchain dành cho ngành viễn thông của Viện nghiên cứu giá trị doanh nghiệp IBM, có hơn 1/3 trong số 174 nhà cung cấp các dịch vụ viễn thông toàn cầu tham gia khảo sát cho biết đang xem xét hoặc tích cực ứng dụng blockchain để hỗ trợ cho các chiến lược của doanh nghiệp về chất lượng và độ chính xác của dữ liệu cũng như tăng cường tốc độ và độ tin cậy của các giao dịch, cải thiện bảo mật.