Bộ Tài chính nói gì về xếp hạng tín nhiệm mới của Fitch Ratings đối với Việt Nam?
Fitch Ratings dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023, dẫn dắt bởi sự phục hồi của cầu trong nước, xuất khẩu và dòng vốn FDI...
Bộ Tài chính vừa cho biết ý kiến về việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings khẳng định xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, triển vọng “Tích cực”.
Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức BB, triển vọng “Tích cực” trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều biến động và thách thức là kết quả của việc triển khai tích cực các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng cũng như thành quả kiểm soát đại dịch để ổn định đời sống, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam.
Cũng theo Bộ Tài chính, các chỉ số tài chính đối ngoại vững chắc so với các nước cùng xếp hạng, triển vọng phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn phức tạp là những cơ sở cho việc Fitch Ratings giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.
Trước đó, ngày 28/3, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings khẳng định, xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, triển vọng “Tích cực”, giữ nguyên so với trước.
Theo đó, Fitch đánh giá Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ lĩnh vực xuất khẩu nhờ vào việc thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì tăng trưởng cao và dòng chảy du lịch đang dần nối lại từ năm 2022.
Vào tháng 4/2021, Fitch Ratings công bố nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên triển vọng ‘tích cực’ ở mức ‘BB’, phản ánh khả năng phục hồi tăng trưởng cũng như nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Theo dự báo của Fitch, tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023, dẫn dắt bởi sự phục hồi của cầu trong nước, xuất khẩu và dòng vốn FDI.
Fitch cũng ghi nhận việc ban hành gói kích thích tài khóa - tiền tệ để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội nhờ vào thành công của Việt Nam trong việc ổn định nợ công, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn, dự trữ ngoại hối được bồi đắp trong thời gian qua đang đạt mức cao kỷ lục, tạo bộ đệm để Việt Nam ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.
Fitch Ratings dự báo các nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, giảm chênh lệch GDP bình quân đầu người so với các nước cùng xếp hạng với Việt Nam.
Cùng với đó là cải thiện hơn nữa tài chính công thông qua củng cố tài khóa bền vững, mở rộng cơ sở thu và ổn định nợ trong trung hạn, khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng về vốn hóa, minh bạch về chất lượng tài sản và khuôn khổ pháp lý sẽ là những yếu tố tích cực giúp cải thiện hơn nữa xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới.
Được biết, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Fitch Ratings, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để có thông tin đầy đủ và cơ sở xác thực nhằm đưa ra quan điểm sát thực, tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.