09:03 28/10/2018

Bộ trưởng Bộ Y tế: "Bệnh viện để nhà vệ sinh bẩn là giám đốc bệnh viện ở bẩn"

Hà Vũ

"Nếu bệnh viện nào để nhà vệ sinh bẩn là giám đốc bệnh viện đó ở bẩn, nếu khoa nào mà để nhà vệ sinh bẩn, không có xà bông rửa tay, trưởng khoa đó ở bẩn"

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại nghị trường.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại nghị trường.

Giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận ngày 27/10 tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết rất quyết liệt về tiêu chuẩn nhà vệ sinh bệnh viện.

Theo Bộ trưởng thì đó là vấn đề nhỏ nhưng rất quyết định đối với chất lượng bệnh viện.

"Nếu bệnh viện nào để nhà vệ sinh bẩn là giám đốc bệnh viện đó ở bẩn, nếu khoa nào mà để nhà vệ sinh bẩn, không có xà bông rửa tay, trưởng khoa đó ở bẩn", Bộ trưởng nói.

Thông tin tiếp theo từ người đứng đầu ngành y tế là qua thông tin từ đường dây nóng, thời gian qua cũng xử lý kỷ luật khoảng 10 ngàn cán bộ y tế từ tuyến xã lên trung ương với các hình thức kỷ luật cho đến nghỉ việc và chuyển việc.

Một trong những việc được Bộ trưởng cho là quyết liệt, đó là lắp camera ở các khoa khám bệnh và những nơi mà có thể xảy ra những vấn đề về thái độ của y bác sỹ.

Một số hạn chế trong lĩnh vực y tế cũng được Bộ trưởng đề cập.

Về vấn đề quá tải tại các bệnh viện Trung ương tuyến cuối ở khoa khám bệnh, Bộ trưởng cho biết có những bệnh viện có đến 5.000 - 6.000 người. Nguyên nhân ở đây là người dân bị bệnh nhẹ cũng vào khám bệnh, không tin tưởng tuyến dưới. 

Điển hình như dịch tay, chân, miệng vừa qua thì độ 1, độ 2 đáng lẽ là ở nhà nhưng cũng vào trong viện nằm và gây sự quá tải không cần thiết, gây nhiễm trùng chéo và thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tăng tỉ lệ tử vong đối với bệnh nhân nặng. Nguyên nhân là người dân chưa tin tưởng vào y tế tuyến dưới.

Hạn chế thứ hai, theo Bộ trưởng là chăm sóc tại bệnh viện chưa toàn diện, chưa đảm bảo được tỉ lệ 3 điều dưỡng, 1 bác sĩ. Một bệnh nhân vào thì có đến 3, 4 người nhà vào và người dân vẫn phải chăm sóc chứ không phải là bệnh viện chăm sóc toàn diện.

Có rất nhiều nguyên nhân trong đó cơ chế tài chính chưa thể đủ chi trả để có đủ chất lượng cán bộ, Bộ trưởng nhìn nhận.

Hạn chế tiếp theo cũng là vấn đề được các đại biểu đã nói rất nhiều về chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng, chất lượng cán bộ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và không đồng đều giữa các miền. Bộ trưởng cho biết đã tiếp thu, trong xây dựng đề án sắp tới, chất lượng khám chữa bệnh giữa vùng thành thị với vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện nhiều, đó là đề án đưa bác sĩ trẻ đến vùng huyện và phải là bác sĩ giỏi, tăng cường cơ sở vật chất và ODA ưu tiên cho vùng núi.

Nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng chưa đảm bảo, chế độ, chính sách cũng còn khó là hạn chế tiếp theo được Bộ trưởng nêu.

Mô hình đào tạo hiện nay của ngành y tế phải cố gắng, nếu không thì chưa hội nhập được, mặc dù chất lượng tốt nhưng chưa chuẩn theo quốc tế hiện nay, bà Tiến nói.

Giải pháp cho những vấn đề trên được Bộ trưởng thông tin là được giải quyết bằng giải pháp "kiềng ba chân". Chân trái là xây dựng y tế cơ sở, bằng chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu gắn với mô hình y học gia đình, gắn với trạm y tế xã, phường và phòng khám bác sĩ gia đình. 

Chúng tôi đang xây dựng mẫu 26 mô hình điểm giống như mô hình của các nước đang phát triển một cách toàn diện cả con người, cơ sở vật chất, hoạt động, cơ chế tài chính và nhân lực, Bộ trưởng cho biết.

Chân kiềng thứ hai bên phải đó là khi bị bệnh, vào bệnh viện phải được chăm sóc một cách chu đáo, toàn diện, chất lượng, giảm thời gian nằm viện, giảm lây chéo, tăng điều trị ban ngày, tăng cơ sở vật chất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm bớt người ra nước ngoài chữa bệnh.

Sắp tới Bộ Y tế sẽ khánh thành một loạt cơ sở khám, chữa bệnh hiện đại theo thiết kế nước ngoài và đội ngũ cán bộ cao cấp, thậm chí mời cả chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu để cán bộ và những người thu nhập cao thay vì phải ra nước ngoài khám, kiểm tra sức khỏe có thể khám, kiểm tra tại Việt Nam giống như chất lượng của nước ngoài, Bộ trưởng cho biết.

Người đứng đầu ngành y cũng khẳng định trong tương lai không xa việc những người nước ngoài công tác tại Việt Nam và người Việt Nam không phải ra nước ngoài mà chữa tại Việt Nam là trong tầm tay của nền y tế Việt Nam hiện nay, nhưng phải có nhiều chính sách đồng bộ, đặc biệt là cơ chế tài chính.

Chân kiềng thứ ba không thể không có, theo Bộ trưởng đó là nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng.