Bộ trưởng Công an: Sửa luật cũng không quá 205 tướng
Nhiều đại biểu băn khoăn về sự "linh hoạt" trong việc phong tướng khi sửa Luật Công an nhân dân song Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định sẽ không vượt "trần"
Nhiều đại biểu băn khoăn về sự "linh hoạt" trong việc phong tướng khi sửa Luật Công an nhân dân song Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định sẽ không vượt "trần".
Cho biết một số đại biểu cũng có gặp gỡ, trao đổi về dự án luật này, Bộ trưởng Tô Lâm đã làm rõ thêm một số ý khi thảo luận tổ, trong đó có việc đưa công an chính quy về xã và việc phong tướng.
85-90% quân số là ở địa phương
Đưa ra khẩu hiệu của ngành là "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", Bộ trưởng Tô Lâm lý giải việc đưa lực lượng chính quy về xã và vì sao lực lượng an ninh và cảnh sát không còn phân hóa rõ như cũ.
"Trước đây, trong nhiều nhiệm kỳ có mầm mống tách thành 2 bộ: Bộ Công an và Bộ An ninh, nên hình thành nên lực lượng an ninh và cảnh sát. Từ Đại hội 9, chủ trương ấy không còn nữa, nhiều lực lượng công an dùng chung như hậu cần - kỹ thuật, xây dựng lực lượng, tổ chức cán bộ... không thể phân biệt rõ là an ninh hay cảnh sát.
"Chuyển biến lớn nhất trong luật này là bố trí công an chính quy xuống cấp xã, vì xã - phường về mặt hành chính là tương đương nhau, mà tình hình phường và xã ai phức tạp hơn ai, ai đông dân hơn ai, ai diện tích rông hơn ai là không thể nói được. Có nhiều xã biên giới hàng trăm km2, dân số đông, rồi xã giáp ranh dần lên đô thị hóa, tình hình phức tạp hơn phường nền nếp rất nhiều. Do đó, chúng tôi bố trí công an chính quy xuống xã là để giải quyết vấn đề này, sát với dân, lắng nghe giải quyết những mâu thuẫn từ dân", Bộ trưởng Công an lý giải.
Với mô hình mới này, tổng số lực lượng ở Bộ chỉ 15% biên chế, còn 85% - 90% quân số là ở địa phương. "Xã mạnh thì huyện rất ngon. Huyện ngon, quận ngon rồi thì tỉnh vô cùng khoẻ. Tỉnh nào cũng khỏe thì cả nước rất ngon lành", Bộ trưởng Công an nói và tiếp tục nhấn mạnh chuyển biến trong bố trí lực lượng là hướng quan trọng.
Bố trí hết cũng chưa đủ 200 tướng
Về phong tướng, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh: dù có phong tướng cho giám đốc công an tất cả các địa phương cũng không vượt quá "trần" Bộ Chính trị cho phép.
"Trước đây các vị cứ nói sao mà nhiều tướng thế, nhưng hiện có cơ chế chung, Bộ Chính trị đã cho cơ cấu, cấp hàm rất rõ với tổng số tướng là 205 người, chúng tôi không vượt qua số đó", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo thượng tướng Tô Lâm, cơ cấu hiện nay chỉ có 1 đại tướng là Bộ trưởng, nhưng không phải cứ Bộ trưởng sẽ được đại tướng, mà phải đủ 4 năm thượng tướng mới được nâng hàm. Đó là lý do vì sao hiện Bộ Công an vẫn chưa có đại tướng. 6 thứ trưởng được cơ cấu trần hàm thượng tướng, nhưng vẫn phải đủ niên hạn.
Thượng tướng Tô Lâm cũng lý giải, 205 tướng trong cơ cấu đủ để phong tướng cho giám đốc 63 tỉnh, vì giảm tổng cục đã giảm được khoảng 36 cấp tướng. Cùng với đó, ông Tô Lâm cũng cho rằng những cục "đặc biệt" gộp 5, 6 cục thì cục trưởng cục đó phải được trung tướng. Đó cũng là những gì luật hiện hành đã quy định, chứ không phải chính sách mới. "Hiện có 60 cục và 63 tỉnh, thành thì bố trí tướng hết mới là hơn 120 người; cộng lại cả bộ vẫn chưa đủ 200 người", thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
"Các đồng chí nói không phải tỉnh nào cũng tướng, nhưng địa phương lại nói sao tỉnh kia được mà tôi không được, cấp ủy địa phương cũng đề nghị xem xét. Trước mắt, đề nghị những tỉnh loại một, thành phố trực thuộc trung ương, tức là khoảng hơn 10 địa phương được bố trí cấp tướng, nhưng cũng rất bất cập với điều hành thực tế. Cục trưởng và giám đốc là tương đương nhau về cấp hành chính, Bộ Công an quy hoạch số này là thứ trưởng. Nếu giám đốc địa phương đại tá được đề bạt thứ trưởng thì sẽ không thể có thượng tướng. Cấp tỉnh làm rất nhiều công việc, bố trí quân hàm tương đương (với cấp cục) mới làm được những việc như vậy, và vẫn đảm bảo không vượt qua trần quy định chung của Bộ Chính trị chứ không phải làm tràn lan", ông Lâm phát biểu.
Mặt khác, theo Bộ trưởng Tô Lâm, "với quy định hiện nay, nếu cục trưởng đang cấp tướng rồi, đưa về giám đốc địa phương thì sẽ có người nói lách luật, nhưng muốn lên thứ trưởng thì phải đi địa phương. Rất khó cho chúng tôi".
Bộ tinh gọn lên, tỉnh mạnh lên. Không bớt đi chức năng nhiệm vụ gì, chỉ có tăng lên thôi mà chính sách lại bớt đi, thì quá thiệt rồi, mà nghị quyết đã nói rõ là phải chú ý đến chính sách cán bộ, Bộ trưởng nhấn mạnh.