17:41 17/06/2024

Bộ Xây dựng góp ý đồ án Quy hoạch khu công nghiệp Hòa Tâm 1.080ha ở Phú Yên

Thanh Xuân

Đồ án Quy hoạch khu công nghiệp Hòa Tâm cơ bản phù hợp với định hướng tại Quy hoạch tỉnh Phú Yên, Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, Quy hoạch chung thị xã Đông Hòa, về quy mô diện tích và chức năng sử dụng đất công nghiệp…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Xây dựng vừa phản hồi UBND tỉnh Phú Yên về đề nghị góp ý kiến cho Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Hòa Tâm, thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến thành lập mới Khu công nghiệp Hòa Tâm tại thị xã Đông Hòa, nằm trong Khu kinh tế Nam Phú Yên với diện tích đến năm 2030 là 500ha; và phần diện tích khu công nghiệp tiềm năng xem xét mở rộng, hoặc thành lập mới, khi được điều chỉnh, bổ sung và đủ điều kiện là 580 ha (tổng diện tích 1.080 ha).

Bên cạnh đó, trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên) đến năm 2040, Quy hoạch chung đô thị thị xã Đông Hòa giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực lập Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Hòa Tâm (1.080 ha) có chức năng sử dụng đất là công nghiệp.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đánh giá việc lập Quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp làm cơ sở thực hiện các bước đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu quản lý là cần thiết; Đồ án Quy hoạch cơ bản phù hợp với định hướng tại Quy hoạch tỉnh Phú Yên, Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, Quy hoạch chung thị xã Đông Hòa, về quy mô diện tích và chức năng sử dụng đất công nghiệp.

Để hoàn thiện đồ án, Bộ đề nghị tỉnh Phú Yên lưu ý việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng đối với phần diện tích khu công nghiệp tiềm năng xem xét mở rộng hoặc thành lập mới (580ha) phải đảm bảo các yêu cầu, điều kiện nêu tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng.

Ngoài ra, cân nhắc việc di dời, bố trí tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp các hộ dân trong phạm vi quy hoạch, đảm bảo những vấn đề về an sinh xã hội, sinh kế của người dân, quy định của pháp luật; lưu ý mỗi loại đất giao thông và cây xanh phải đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 10% diện tích toàn khu (không bao gồm đất giao thông, cây xanh trong khuôn viên lô đất các cơ sở sản xuất); đảm bảo yêu cầu khoảng cách an toàn về môi trường..

Mặt khác, Bộ Xây dựng lưu ý UBND tỉnh Phú Yên cần rà soát việc giảm đất rừng sản xuất, đất trồng lúa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, phù hợp với quy hoạch cấp trên; rà soát nội dung quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng chung, trong và ngoài khu công nghiệp…

Đặc biệt, Khu công nghiệp Hòa Tâm dự kiến có khoảng 40.000 lao động làm việc. Do đó, UBND tỉnh Phú Yên phải chỉ đạo thực hiện đồng bộ các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng có liên quan và triển khai đầu tư xây dựng đảm bảo việc bố trí nhà ở xã hội, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ người lao động theo quy định.

Theo đồ án, Quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Hòa Tâm được lập trên diện tích khoảng 1.115ha. Trong đó, diện tích Khu công nghiệp Hòa Tâm 1.080 ha, Trung tâm hành chính phục vụ cảng Bãi Gốc và Khu công nghiệp Hòa Tâm 20ha, đất nghiên cứu khảo sát đánh giá hiện trạng dân cư bên ngoài khu vực núi Bãi Gốc 15ha.

Được biết, đến năm 20230, ngoài Khu công nghiệp Hòa Tâm, tỉnh Phú Yên dự kiến còn có các khu công nghiệp thành lập mới là: Khu công nghiệp công nghệ cao quy mô 252ha, Khu công nghiệp Hòa Xuân Tây 67ha, tại thị xã Đông Hòa; Khu công nghiệp Hòa Xuân Đông 100ha, thị xã Đông Hòa; Khu công nghiệp Hòa Thành 100ha, thị xã Đông Hòa và TP.Tuy Hòa.

Các khu công nghiệp tiềm năng xem xét mở rộng hoặc thành lập mới khi được điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đủ điều kiện theo quy định: Khu công nghiệp Hòa Xuân Tây 387ha, Khu công nghiệp Hòa Xuân Đông 320ha, Khu công nghiệp hậu cần sân bay 354ha, Khu công nghiệp Hòa Thành 372ha, thị xã Đông Hòa.

Một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh được ưu tiên phát triển như: luyện kim; lọc, hóa dầu; sản xuất năng lượng; hóa chất; chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ khí - chế tạo…; các ngành công nghiệp động lực gắn với kinh tế biển, ngành công nghiệp hiện có theo hướng sản xuất sản phẩm tinh, sản phẩm chế biến sâu với hàm lượng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, có giá trị gia tăng cao.