15:59 09/01/2017

Bồi thường oan sai: Khó không phải do thiếu tiền

Nguyễn Lê

Vụ ông Huỳnh Văn Nén, nếu làm đúng ba-rem của Bộ Tài chính, thì mức bồi thường rất hạn chế

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật&nbsp; Nguyễn Khắc Định cho biết, cái khó, vướng nhất là xác định chi phí bồi thường vì không thể xác định nổi thế nào là chi phí thăm nuôi, thuê mượn luật sư…<br>
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật&nbsp; Nguyễn Khắc Định cho biết, cái khó, vướng nhất là xác định chi phí bồi thường vì không thể xác định nổi thế nào là chi phí thăm nuôi, thuê mượn luật sư…<br>
Vướng mắc lớn nhất hiện nay trong bồi thường oan sai là gì? Sửa luật có xử lý được không? Đây là những câu hỏi được Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt ra khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), sáng 9/1.

“Con dại cái mang”


Theo Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình, việc bồi thường Nhà nước là một quy định rất dũng cảm vì không phải quốc gia nào cũng thực hiện việc này mà thường chấp nhận những sai sót trong hoạt động tố tụng là chuyện bình thường.

“Nhưng ở ta, với trách nhiệm trước nhân dân, sẽ bồi thường khi xác định có lỗi chủ quan”, ông Bình nói.

Hồi âm ý kiến Chủ nhiệm Nga, ông Bình nói, cái khó là định lượng mức độ bồi thường chứ nguồn tiền để bồi thường không có gì là khó.

“Bộ Tài chính hoàn toàn đáp ứng được tiền bồi thường, nhưng có áp lực từ dư luận, kể cả trong Quốc hội, là tiền thuế của nhân dân đóng góp không phải để dành cho việc bồi thường cho những sai sót của cán bộ, cơ quan bảo vệ pháp luật”, ông Bình phân trần.

Nói tiếp về cái khó khi thực hiện, ông Bình cho biết có những khoản bồi thường tính rất dễ, tính theo thu nhập tối thiểu nhân với số ngày ngồi tù oan. Nhưng, có những khoản rất lớn mà không thể định lượng được, hoàn toàn định tính thôi, mỗi trường hợp tuỳ nghi thực hiện, như ước lượng về thiệt hại danh dự, bồi thường tinh thần…

“Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, khi kiểm điểm lại định mức bồi thường các cơ quan cho rằng anh em vận dụng không đúng, cho là quá lớn, quá cao, nhưng nếu không đạt mức đó thì người dân không chịu, việc này lại tạo ra một tiền lệ bồi thường cao”, ông Bình nói tiếp.

Liên hệ với việc bồi thường oan sai vụ ông Huỳnh Văn Nén, ông Bình cho biết nếu làm đúng ba-rem của Bộ Tài chính thì mức bồi thường rất hạn chế và chênh lệch khá cao so với vụ ông Chấn, dù ông Nén ngồi tù tới 17 năm, trong khi ông Chấn là 10 năm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án luật - Nguyễn Khắc Định nói, cái khó, vướng nhất là xác định chi phí bồi thường vì không thể xác định nổi thế nào là chi phí thăm nuôi, thuê mượn luật sư…

Cũng trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Lê Thị Nga, ông Lê Hữu Thể, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết, trong quá trình triển khai bồi thường, qua thực tế giải quyết thì thấy đó là căn cứ tính chi phí thiệt hại để tính mức bồi thường.

“Khi thương lượng rất khó, vì không có ba-rem gì cụ thể cả, ông thì đòi mà ông thì chối, cần đưa vào luật cái gì tính cứng, cái gì thiệt hại ở những thức vô hình như gia đình tan nát, sức khoẻ suy sụp, công việc đã mất… làm sao có hoá đơn được. Vậy cần có ba-rem tương đối để cơ quan đi đàm phán dễ thương lượng hơn với người được bồi thường”, ông Thể đề nghị.

Phân tích sâu hơn về bồi thường và bồi hoàn, ông Thể cho rằng, cán bộ thay mặt Nhà nước để làm việc vậy nên khi xảy ra oan sai thì “con dại cái mang”, cơ quan công quyền phải đền là đúng rồi, vì có phải người ta làm việc nhà mình đâu mà phải bỏ tiền tự đền.

“Còn nếu xác định cố ý làm trái dẫn đến sai như vậy thì phải tự bỏ tiền túi ra tiền là đúng. Nếu như trình độ kém, nhận thức chưa tới mà gây oan sai thì nên áp dụng biện pháp khác như chuyển công tác nơi khác, hạ bậc lương, không bổ nhiệm lại… vì có những vấn đề rất phức tạp, nhiều cơ quan cãi nhau suốt cả năm còn chưa ra, đừng nói đến việc một cá nhân sai sót”, ông nói.

“Không có gì tuyệt đối”

Liên quan đến kinh phí bồi thường, Uỷ ban Pháp luật cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thành lập quỹ bồi thường độc lập. Nguồn thu của quỹ được trích từ một phần tiền phạt xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ và một số nguồn thu hợp pháp khác. Cơ quan quản lý bồi thường nhà nước quản lý, chi trả và quyết toán quỹ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng không nên có quỹ vì hiện đã nhiều quỹ quá rồi, mà các quỹ đang hoạt động thì tiền cũng từ ngân sách thôi.

“Đã là hoạt động của Nhà nước là do ngân sách đảm nhiệm, đó là nguyên tắc, nên khi bồi thường là lấy tiền ngân sách”, ông Hiển khẳng định.

Theo ông  thì “không nên quá rạch ròi, khi xét xử anh đã nhân danh Nhà nước mà tuyên án thì khi anh tuyên không đúng thì Nhà nước phải đảm bảo việc bồi thường”.

Ông Hiển cũng cho rằng nếu quá chặt chẽ về bồi hoàn thì rất có thể làm chùn tay tổ chức, cá nhân ở cơ quan tố tụng.

Về mức bồi thường, quan điểm của Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển là nên lượng hoá.

“Không có gì là tuyệt đối cả, cái gì cũng tuyệt đối thì khó và dễ đi đến tranh cãi không đến hồi kết. Nên tương đối, ví dụ nếu người được bồi thường có thu nhập ổn định thì tính theo thu nhập đó, nếu không thì tính theo lương cơ sở. Còn với khoản bồi thường tinh thần thì nên phân biệt án nặng hay án nhẹ, nhưng vẫn theo lương cơ bản mà nhân lên chứ cứ định tính thì thương lượng thì rất khó”, ông góp ý.

Đồng tình là xác định tương đối chứ không thể cứng được vì có những trường hợp khó xác minh được thiệt hại, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị, nên quy định theo hướng người oan sai được lựa chọn qua thương lượng hoạch có thể kiện thẳng ra toà.