Bốn giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh
Vai trò của các tổ chức tín dụng đã được đẩy cao lên với xu hướng tín dụng xanh
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động lồng ghép, xây dựng các giải pháp, chính sách, chương trình góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo thống kê của cơ quan này, tính đến 31/3/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 242.355 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2018. Cụ thể, dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh đạt 131.839 tỷ đồng, chiếm 55%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn đạt 31.685 tỷ đồng, chiếm 13%; lâm nghiệp bền vững đạt 13.657 tỷ đồng, chiếm 5,7% và năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt 8.348 tỷ đồng, chiếm 3,5%.
Riêng về chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch, một số chính sách đã được ban hành để hỗ trợ thực hiện chương trình. Kết quả, đến nay, dư nợ chương trình đạt khoảng 38.000 tỷ đồng với hơn 17.000 khách hàng đang có dư nợ.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động của ngành ngân hàng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo 4 giải pháp.
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng, trong đó đưa ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất, làm cơ sở để các tổ chức tín dụng lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 11 ngành kinh tế còn lại trong tổng số 21 ngành chưa có hướng dẫn trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Thứ ba, xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Thứ tư, tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam, bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ưu đãi dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, IFC, ADB, JICA, KfW...), huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu xanh để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, tiết kiệm năng lượng.