14:02 05/06/2017

Bốn nước Arab cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, giá dầu bật tăng

Bình Minh

Giá dầu thế giới đã tăng khá mạnh sau khi có tin về việc Qatar bị 4 nước cắt quan hệ ngoại giao

Thủ đô Doha của Qatar.<br>
Thủ đô Doha của Qatar.<br>
Saudi Arabia và 3 nước Arab khác vừa đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với quốc gia vùng Vịnh Qatar, với lý do Doha có quan hệ với chủ nghĩa khủng bố và các nước này cần phải đảm bảo an ninh quốc gia.

Theo tin từ CNBC, Saudi Arabia ngày 5/6 cắt đứt toàn bộ liên lạc trên bộ, trên biển và trên không với Qatar. Ngoài ra, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cũng tuyên bố không còn giữ quan hệ ngoại giao với nước này.

Động thái trên đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc tranh cãi âm ỉ từ lâu xung quanh việc Qatar ủng hộ Anh em Hồi giáo, phong trào Hồi giáo lâu năm nhất thế giới. Gần đây, căng thẳng giữa các nước trên với Qatar càng gia tăng khi Doha bị cho là ủng hộ Iran - một đối thủ của các nước vùng Vịnh.

Giá dầu thế giới đã tăng khá mạnh sau khi có tin về việc Qatar bị 4 nước cắt quan hệ ngoại giao. Giá dầu thô Brent tại thị trường London có lúc tăng hơn 1,4%, đạt mức 50,66 USD/thùng. Giá dầu thô WTI tại New York tăng gần 1,5%, đat 48,35 USD/thùng. Giá khí đốt tại thị trường Mỹ tăng gần 1,4%.

Nhà phân tích cấp cao Charles Lister thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông (MIE) nhận định rằng Qatar “phụ thuộc nhiều vào các nguồn cung thực phẩm” đi qua Saudi Arabia, nên việc đóng cửa biên giới giữa hai nước sẽ gây ra một thách thức rất nghiêm trọng đối với Doha.

Saudi Arabia cáo buộc Qatar ủng hộ các tổ chức phiến quân Hồi giáo và truyền bá tư tưởng bạo lực của các nhóm này. Lời cáo buộc về truyền bá tư tưởng bạo lực mà Saudi Arabia đưa ra đối với Qatar được xem là nhằm vào kênh truyền hình nhiều ảnh hưởng al Jazeera thuộc sở hữu của Chính phủ Qatar.

“Qatar dang tay đón nhận nhiều nhóm khủng bố và sắc tộc có mục đích khuấy động bất ổn trong khu vực, bao gồm Anh em Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo (IS), và al-Qaeda, và không ngừng thúc đẩy thông điệp cùng kế hoạch của các nhóm này thông qua bộ máy truyền thông của họ”, hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia nói. Ngoài ra, tuyên bố còn cáo buộc Qatar ủng hộ các nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn.

Căng thẳng bắt đầu bị thổi bùng vào tháng 5 vừa qua, khi al Jazeera đăng tin nói tiểu vương Tamim bin Hamad al-Thani, người trị vì Qatar, chỉ trích một số lãnh đạo ở vùng Vịnh và kêu gọi giảm căng thẳng với Iran. Bài báo này đã khiến các nước vùng Vịnh nổi giận, dù Qatar thanh minh rằng al Jazeera đã bị tấn công và nội dung đó là do những kẻ tấn công (hacker) bịa đặt.

Không chấp nhận lời giải thích của Qatar, một loạt quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã để cho truyền thông nước mình ra sức chỉ trích vị tiểu vương Qatar thân mật với Tehran.

Qatar sở hữu chung mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, mỏ South Pars, với Iran. Mối quan hệ thương mại và kinh doanh giữa hai nước đã làm Saudi Arabia cùng các quốc gia khác trong GCC vốn mâu thuẫn với Iran khó chịu. Mâu thuẫn này bắt nguồn từ việc Tehran ủng hộ các nhóm phiến quân dòng Shia, trong khi Saudi Arabia có dân số chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni.

Trong tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar được đưa ra ngày 5/6, Bahrain, một đồng minh thân cận của Saudi Arabia, cũng cáo buộc Qatar hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của Bahrain.

Tương tự, UAE cáo buộc Qatar ủng hộ chủ nghĩa cực đoan và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh khu vực. Hãng thông tấn WAM của UAE nói Qatar “hậu thuẫn, tài trợ, và đón nhận các tổ chức khủng bố, cực đoan và sắc tộc”. UAE cho các nhà ngoại giao Qatar 48 giờ đồng hồ để rời khỏi nước này.

Phát ngôn viên của Etihad Airways, hãng hàng không quốc gia Abu Dhabi, nói hãng này sẽ dừng tất cả các chuyến bay tới và từ Qatar kể từ sáng ngày thứ Ba.

Qatar là quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, và có sự kết nối rộng lớn trong hệ thống hàng không và ngân hàng của các nước vừa cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này. Hãng hàng không quốc gia của Qatar là Qatar Airways sử dụng sân bay của tất cả các quốc gia này và có sự kết nối rộng rãi với các khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ.