“Bóng ma” chiến tranh thương mại kéo chứng khoán Mỹ giảm điểm
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày thứ Năm, sau khi Mỹ áp thuế quan lên thép và nhôm từ Canada, Mexico và EU
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, sau khi Mỹ áp thuế quan lên thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU) khiến một số đối tác thương mại tung đòn trả đũa.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters cho biết, tháng 5 đã trở thành tháng có mức tăng phần trăm mạnh nhất của hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones kể từ tháng 1. Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu các công ty nhỏ, chủ yếu tập trung vào thị trường trong nước, có tháng tăng mạnh nhất tính theo tỷ lệ phần trăm kể từ tháng 9 năm ngoái.
Sự tăng điểm này có được chủ yếu nhờ các báo cáo kết quả kinh doanh khả quan và dòng dữ liệu kinh tế tiếp tục cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng vững vàng.
Ngày thứ Năm, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói thuế suất 25% và 10% sẽ tương ứng áp lên thép và nhôm nhập khẩu từ Canada và Mexico, có hiệu lực từ ngày 1/6.
Mexico đáp trả bằng cách nhằm vào hàng nông sản và công nghiệp Mỹ, với các mặt hàng bị áp thuế là chân giò heo, táo, nho, pho mát và thép.
Canada tuyên bố sẽ đánh thuế đối với 12,8 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, và sẽ kiện thuế thép và nhôm của Mỹ dựa trên các quy định của Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cổ phiếu của các công ty thực phẩm đóng gói và thịt thuộc S&P 500 giảm 2%. Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong chỉ số này cùng kết thúc phiên trong sắc đỏ. Cổ phiếu hai hãng thực phẩm lớn là Tyson Foods và Kraft Heinz trở thành "thủ phạm" gây giảm điểm nhiều nhất của S&P 500 phiên này.
Mâu thuẫn giữa Mỹ và các đối tác thương mại đã khiến thị trường tài chính toàn cầu có nhiều phen chao đảo kể từ tháng 3 khi Tổng thống Donald Trump áp thuế lên kim loại nhập khẩu. "Bóng ma" chiến tranh thương mại đã che mờ những số liệu kinh tế cho thấy người tiêu dùng Mỹ ngày càng mạnh tay chi tiêu.
"Sự bấp bênh đang gia tăng", ông Shawn Cruz, nhà quản lý chiến lược giao dịch thuộc TD Ameritrade ở Chicago, phát biểu. "Thuế quan không chỉ là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc, mà còn là giữa Mỹ với châu Âu. Thị trường đã trở nên nhạy cảm hơn với vấn đề này, giữa lúc thị trường đã có tâm lý bi quan".
Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 1,02%, còn 24.415,84 điểm. S&P 500 giảm 0,69%, còn 2.705,27 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0,27%, còn 7.442,12 điểm.
Tính cả tháng, S&P 500 tăng 2,16%; Dow Jones tăng 1,05%; và Nasdaq tăng 5,32%.
Cổ phiếu các hãng sản xuất thép Mỹ đã tăng mạnh vào đầu phiên giao dịch, nhưng nhiều cổ phiếu trong số này đã giảm điểm khi đóng cửa do nỗi lo về sự đáp trả của Mexico. Chốt phiên, nhóm cổ phiếu thép giảm 0,1%.
Cổ phiếu hai tập đoàn công nghiệp lớn là Boeing và Caterpillar giảm tương ứng 1,7% và 2,3%.
Nỗi lo thương mại càng trở nên lớn hơn sau khi có tin Mỹ đang tính nhằm vào các hãng sản xuất ôtô. Đức. Tuần trước, chính quyền Trump đã mở một cuộc điều tra nhằm vào xe hơi và xe tải nhập khẩu để xác định xem xe nhập khẩu có gây nguy cơ an ninh quốc gia. Kết quả của cuộc điều tra này có thể là mức thuế 25% áp lên xe nhập khẩu.
Cổ phiếu các công ty dịch vụ công cộng (utilities), vốn là nhóm cổ phiếu phòng thủ, trở thành nhóm tăng mạnh nhất trong số các nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, với mức tăng 0,1%.
Cổ phiếu hãng xe Gneeral Motors (GM) giúp S&P 500 hạn chế mức giảm điểm. Cổ phiếu này tăng 12,9% sau khi hãng công nghệ SoftBank của Nhật Bản tuyên bố rót 2,25 tỷ USD vào mạng xe tự lái của GM.
Cổ phiếu Dollar General sụt 9,4% và cổ phiếu Dollar Tree lao dốc 14,3% sau khi hai hãng bán lẻ giá rẻ này cong bố doanh thu quý không đạt dự báo của giới phân tích.
Trên sàn NYSE, số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,83 lần số cổ phiếu tăng giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,58 lần.
Các nhà giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng tổng cộng 8,09 tỷ cổ phiếu trong phiên này, so với mức bình quân 6,63 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.