10:17 17/11/2009

Bức tranh đời sống giáo viên mầm non

Dũng Hiếu

Giáo viên mầm non quá vất vả, thế nhưng thu nhập của họ lại rất thấp

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 17 vạn giáo viên mầm non, trong đó có 9 vạn giáo viên ngoài biên chế.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 17 vạn giáo viên mầm non, trong đó có 9 vạn giáo viên ngoài biên chế.
Giáo viên mầm non quá vất vả, làm việc suốt từ 6h sáng đến tận 6h tối. Đặc biệt, trách nhiệm rất lớn, không dám bỏ lớp vì nếu có sơ sảy gì với học sinh thì giáo viên phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng thu nhập của họ lại rất thấp.

Đây là bức tranh chung về đời sống giáo viên mầm non mà ông Nguyễn Hải Thập, Cục phó thông tin, Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã cho biết khi đoàn khảo sát của Bộ tới nhiều địa phương. Theo kết quả khảo sát, trung bình giờ làm việc của nhiều giáo viên mầm non hiện nay thường từ 8 đến 12 giờ/ngày. Đó là chưa kể đến việc định mức giờ làm việc là 60 phút, còn tiết học ở các bậc học khác chỉ có 45 phút.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 17 vạn giáo viên mầm non, trong đó có 9 vạn giáo viên ngoài biên chế (chiếm gần 55%); riêng các tỉnh miền Nam, tỷ lệ giáo viên trong biên chế  lên tới 95%, trong khi ở phía Bắc, tỷ lệ  này thấp hơn rất nhiều. Đối với khu vực đồng bằng, đô thị, chính sách nhà nước chỉ cho biên chế khung trong trường mầm non gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và một số ít giáo viên nòng cốt; còn lại đều là giáo viên hợp đồng.

Những bất cập trong chế độ lương là vấn đề bức xúc nhất đối với khối giáo viên mầm non ngoài biên chế bởi họ không được hưởng thu nhập theo thang, bảng lương của Nhà nước mà chỉ được hưởng mức lương hợp đồng (ngắn hạn và dài hạn). Thu nhập phổ biến hiện từ 300.000 - 800.000 đồng/tháng.

Mặc dù quy định mức lương hợp đồng không thấp hơn mức lương tối thiểu nhưng do địa phương không có tiền, trong khi giáo viên mầm non thừa khá nhiều nên họ vẫn chấp nhận. Cá biệt có tháng, họ chỉ cầm về 100.000 đồng.

Bà Phạm Thị Bộ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện miền núi Vân Canh - Bình Định phản ánh: “Nhiều cô giáo phải đi bộ gần cả ngày mới tới điểm bản để dạy học. Nhiều khi phải đến từng nhà đưa, đón học sinh. Chưa tính thời gian soạn giáo án, thời gian làm đồ dùng dạy học, mỗi giáo viên cũng đã làm việc đến 11 giờ/ngày. Nhưng phần lớn giáo viên không được hưởng chế độ thêm giờ vì quy định dạy 8 giờ chứ không phải làm việc 8 giờ”.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, quy định giáo viên mầm non dạy 8 giờ/ ngày là không hợp lý. Bởi dạy có nghĩa là đứng lớp trong khi đó các giáo viên mầm non còn rất nhiều chuyên môn khác. Chỉ nên yêu cầu 8 tiếng/1 ngày.

Ghi nhận sự vất vả, thiệt thòi này, ông Trịnh Thăng Mạnh, Trưởng ban Chính sách xã hội công đoàn giáo dục thừa nhận, công đoàn không thể lo được về đời sống của giáo viên toàn ngành. Thu nhập của giáo viên phụ thuộc hoàn toàn ngân sách của địa phương và tình hình quản lý của trường. Công đoàn chỉ tham gia với chính quyền để giải quyết đời sống cho giáo viên, bảo vệ lợi ích chính đáng của giáo viên.

Hiện công đoàn mới chỉ quan tâm và hỗ trợ được một nhóm đối tượng, đó là những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Trong 10 năm qua, cuộc vận động trong ngành đã thu được trên 130 tỷ đồng, giải quyết được nhà ở cho 3,3 vạn giáo viên. Mới đây, Chính phủ cũng đã đồng ý đưa nội dung xây nhà công vụ vào chương trình kiên cố hóa trường, lớp học với mục tiêu xây dựng 1,6 triệu m2 nhà từ nay đến năm 2012. Tuy nhiên, công đoàn giáo dục đã có ý kiến đề xuất với Tổng liên đoàn để có chỉ đạo đối với công đoàn ở các địa phương.

Ông Trịnh Thăng Mạnh cho biết: “Chúng tôi cũng đã "kêu" với ngành để ngành báo cáo Chính phủ và yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo... đấu tranh với địa phương để trả lời câu hỏi bao giờ trả đủ lương, phụ cấp cho giáo viên. Thực ra, chính sách của Nhà nước đối với giáo viên được các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời đã tốt lắm rồi. Công đoàn cũng thành lập quỹ xã hội từ thiện để trợ giúp những giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng của thiên tai”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ: “Đúng là nhiều giáo viên mầm non thường phải dạy 11-12h /ngày. Mức quy định dạy 8 giờ/ngày hiện nay cũng quá cao. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trao đổi thêm với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính để chỉnh sửa lại quy định này theo hướng giảm tải và hợp lý hơn nhằm đảm bảo quyền lợi của giáo viên mầm non ở mọi vùng miền”.

Theo Cục Nhà giáo, hiện đang đề xuất việc giải quyết chế độ hưu cho giáo viên theo hướng, giáo viên nào có thời gian giảng dạy thực từ năm 1990 trở về trước nghiễm nhiên coi như đã đóng đủ bảo hiểm 20 năm. Việc này nhằm giải quyết một thực tế đang tồn tại là ở nhiều địa phương, giáo viên đã lớn tuổi mà không đủ tiền đóng bù bảo hiểm để được hưởng chế độ.