Bùng phát thị trường du thuyền cá nhân ở Việt Nam
Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, số lượng người Việt bỏ hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu USD để sắm du thuyền đang tăng dần trong vài năm trở lại đây. Bên cạnh đó, các công ty chuyên kinh doanh và cho thuê du thuyền cá nhân cũng tấp nập “cập cảng” Việt Nam, cho thấy đây đúng là một thị trường giàu tiềm năng và đã sẵn sàng để bùng phát ở một tương lai rất gần...
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, lợi thế lớn nhất của Việt Nam chính là đường bờ biển dài, khí hậu ôn hòa, sóng không quá lớn, nhiều hòn đảo, vịnh tự nhiên đẹp và nổi tiếng, hệ thống sông ngòi cũng khá rộng, lưu thông dễ dàng. Nắm bắt được nhu cầu “chuyển đổi” đam mê của nhóm khách hàng thượng lưu, nhiều dự án bất động sản cao cấp ở các khu vực bờ biển, bờ sông bắt đầu quy hoạch bến du thuyền, cho thấy sự đón nhận khá tích cực của thị trường với thú chơi mới mẻ này. Gần đây nhất, một dự án ở Đà Nẵng còn chơi sang khi quyết định tặng mỗi người mua biệt thự một chiếc du thuyền hiệu Yamaha – có thể nói đây là mức khuyến mãi “khủng nhất” tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.
Bà Carla Demaria, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Monte Carlo Yachts nhận định, Việt Nam còn thiếu cơ sở hạ tầng như bến thuyền, xưởng dịch vụ cũng như đội ngũ thủy thủ và thợ lành nghề nhưng việc khắc phục chỉ là chuyện sớm muộn. Những cửa sông đổ ra biển giúp việc ra vào, vui chơi và neo đậu của du thuyền trong nước và quốc tế trở nên dễ dàng hơn – mà ví dụ điển hình là việc siêu du thuyền Aviva trị giá 150 triệu USD của Chủ tịch CLB bóng đá Tottenham Hotspur ghé thăm Đà Nẵng, Phú Quốc và vịnh Hạ Long hồi tháng Năm vừa qua.
Ở TP.HCM, cơn sốt “thuyền bè” đã rộ lên từ khoảng năm 2015, giới trung lưu thì chơi cano, jetski (mô-tô nước) còn các đại gia thì không ngại vung tiền sắm du thuyền đủ các cỡ để thỏa thú vui được bồng bềnh trên sóng. Dĩ nhiên, không ít người trong số đó mạnh tay “xuống tiền” vì đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh trước mắt.
Như ông Hồ Tôn Đức, chồng nữ diễn viên Diễm My, sở hữu chiếc Sunseeker giá 2 triệu USD vừa dùng làm phương tiện du lịch cho gia đình vừa mang cho thuê bởi Công ty TNHH Saigon Marina – cũng do ông Đức làm chủ. Tập đoàn FLC cũng đã đầu tư mua khoảng 10 du thuyền – trong đó có mẫu Galeon 660 Fly trị giá 3,5 triệu USD để cho thuê ở các vùng biển có sự hiện diện của hệ thống FLC resort, chủ yếu nhắm vào phân khúc khách hàng trung và cao cấp. Hiện ở Việt Nam đã có khá nhiều công ty bán và cho thuê du thuyền có tiếng như VietYacht, Tamson Yachting, Azimut Yachts, Việt Nam Yachts, Vimarine… và con số chắc chắn không dừng lại ở đó.
Bà Carla Demaria cho rằng văn hóa chơi du thuyền sẽ sớm phổ biến tại Việt Nam, khi điều kiện về cơ sở hạ tầng trở nên hoàn chỉnh. Những người mua đều ý thức được mua du thuyền là mua trải nghiệm, mua phong cách, mua cảm giác tự do. Không có giới hạn nào về số tiền phải bỏ ra, tuy nhiên, nên khởi điểm ở khoảng 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng) để có được một chiếc du thuyền ưng ý về mọi mặt, cộng thêm 10% thuế nhập khẩu và 30% thuế tiêu thụ đặc biệt.
Hiện tại, chiếc Azimut 70 của gia đình nhà chồng diễn viên Tăng Thanh Hà vẫn được xem là đắt nhất Việt Nam với trị giá khoảng 4 triệu USD. Tiếp theo là chiếc Ferretti 630 của nữ diễn viên Lý Nhã Kỳ, được các chuyên gia định giá khoảng 100 tỷ đồng. Chiếc Sunseeker của ông Hồ Tôn Đức và Princess 58 của ông Tăng Thành Trung đều được mua với giá 2 triệu USD.
Theo ông Kirill Kuatov, Tổng Giám đốc Azimut Yachts, từ năm 2016 cho đến nay, khách hàng Việt Nam đã có sự “nâng cấp” đáng kể. Lúc trước, mọi người chỉ tập trung tìm hiểu các loại du thuyền trong khoảng 50.000 – 100.000 USD thì nay đã có nhiều khách hàng trực tiếp đặt vấn đề về những mẫu có giá đến 500.000 USD, thậm chí 1 triệu USD hoặc cao hơn thế. Nếu người chơi xe hơi thích thay đổi thương hiệu, mẫu mã thì chơi du thuyền lại chỉ muốn “lên đời” những chiếc lớn hơn, tiện nghi hơn.
Và dĩ nhiên, giá cả cũng đắt đỏ hơn hẳn. Đã có những thông tin úp mở về một chiếc du thuyền giá khoảng 8 – 10 triệu USD sắp cập cảng Việt Nam, tuy nhiên thương hiệu, model và chủ sở hữu vẫn hoàn toàn nằm trong vòng bí mật. Đúng như vậy, lên du thuyền, bồng bềnh theo sóng nước là một cách xa lánh thế sự, chính vì thế, càng kín đáo bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Trong khi đó, kinh doanh cho thuê du thuyền cũng đang trên đà phát đạt, đây cũng là lý do để nhiều đại gia mạnh tay sắm sửa phương tiện vận chuyển “xa xỉ” này. Giá phải trả cho một giờ vi vu trên sông Sài Gòn dao động trong khoảng 300 - 700 USD với các loại du thuyền bình dân, càng cao cấp thì càng phải chi nhiều tiền hơn.
Người dân ở TP.HCM đã quá quen với hình ảnh những con tàu trắng lớn nhỏ đủ kích cỡ neo đậu san sát dọc hai bên bờ sông. Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long đều đã có bến du thuyền quy mô lớn và vẫn tiếp tục mở thêm. So với siêu xe, du thuyền có lợi thế hơn hẳn khi tốc độ mất giá cực thấp, tốc độ hao mòn cũng cực thấp và lại có thể giúp chủ sở hữu “gỡ vốn”.
Giờ đây, đọ đẳng cấp bằng siêu xe hay bất động sản đã không còn là điều mới mẻ, du thuyền mới là thứ để các đại gia Việt Nam thể hiện mức độ sành sỏi và chịu chơi của mình.