16:33 13/02/2013

Bước ngoặt trong đầu tư công

Đặng Hương

“Tôi cho rằng, nếu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 1792 sẽ giải quyết được tình trạng bố trí vốn dàn trải”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Việc thực hiện Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ đã tạo ra những chuyển biến mới trong nhận thức về đầu tư công, được kỳ vọng là sẽ khắc phục căn bệnh đầu tư tràn lan, kém hiệu quả mà chúng ta đã nói đến hơn một, hai chục năm qua.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có chia sẻ về thực hiện Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ.

Năm 2012 là năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư rốt ráo thực hiện Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ. Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện Chỉ thị sau hơn 1 năm triển khai?

Chỉ thỉ 1792 ra đời vào cuối năm 2011, đến năm 2012 thì bắt đầu triển khai. Tuy nhiên, công tác lập kế hoạch đã bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 8 năm 2011, nghĩa là trước thời điểm Chỉ thị 1792 ra đời vào tháng 10/2011.

Vì vậy, kế hoạch đầu tư cho năm 2012 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ ngành và địa phương điều chỉnh. Sự điều chỉnh này là rất khó khăn vì các dự án buộc phải thu hẹp lại theo yêu cầu của Chỉ thị 1792 khi đằng sau mỗi kế hoạch bố trí vốn là rất nhiều cam kết. Đây là sự đấu tranh rất cam go giữa tập trung và dàn trải.

Năm 2012, nội dung của Chỉ thị 1792 đã bắt đầu được đưa vào trong kế hoạch ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, số lượng công trình khởi công mới giảm rõ rệt.

Chỉ thị 1792 đưa ra những tiêu chí rất rõ ràng trong ưu tiên bố trí vốn, đó là ưu tiên công trình đã hoàn thành kể từ 2011 trở về trước từ vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ để giảm bớt nợ đọng, ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA, ưu tiên những công trình hoàn thành trong năm 2012 và 2013 và ưu tiên cho công trình dở dang nhưng bố trí tập trung vốn sao cho nhóm B không qua 5 năm và nhóm C không quá 3 năm, cuối cùng còn lại mới được xét cho những dự án, công trình mới.

Một điểm mới trong Chỉ thị 1792 đó là đặt ra kế hoạch đầu tư trung hạn. Điều này sẽ tạo chủ động cho địa phương trong cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước bởi thông thường các dự án thường kéo dài từ 3-5 năm.

Tôi cho rằng, nếu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 1792 sẽ giải quyết được tình trạng bố trí vốn dàn trải, giải quyết tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả hơn.

Đối với phần trái phiếu chính phủ, năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất làm kế hoạch trung hạn thay vì kế hoạch từng năm như trước kia. Để chuẩn bị cho đề xuất này, Bộ đã rà soát lại toàn bộ công trình, dự án từ trước tới nay, xem xét, đánh giá lại việc phân bổ, bố trí vốn cho từng công trình, dự án trong 4 năm trước khi trình lên Quốc hội. Vì vậy, năm 2012, phần vốn trái phiếu chính phủ giao có chậm trễ chút ít so với kế hoạch nhưng sau khi được duyệt thì địa phương, bộ, ngành lại chủ động hơn rất nhiều. Có thể nói, tiến độ của những dự án có vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ khá nhanh, chỉ chậm 3 tháng nhưng làm nhanh trong 4 năm còn lại.

Tuy nhiên năm 2012 cũng mới là bước đầu. Sang năm 2013, nhận thức về Chỉ thị 1792 sâu rộng hơn, các địa phương và bộ, ngành cũng làm quen hơn với việc làm kế hoạch theo Chỉ thị này và công tác lập kế hoạch cũng thuận lợi hơn.

Đối với kế hoạch đầu tư năm 2013, hầu hết địa phương đã chủ động bố trí tập trung. Kế hoạch năm 2013 về vốn ngân sách nhà nước đối với phần vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính giám sát thì 96,5% số lượng vốn đã thực hiện theo tinh thần của Chỉ thị 1792, nghĩa là theo đúng trật tự ưu tiên; chỉ có 3,5% bố trí chưa đúng.

Tuy nhiên, phần này cũng chỉ là phần hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước, còn lại trong cân đối của địa phương do địa phương quyết định thì lại chưa kiểm soát được tỷ lệ bố trí. Vì vậy, trong năm 2013, chúng tôi sẽ tổ chức thanh tra giám sát việc này.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, liệu Chỉ thị 1792 có những hạn chế nào không và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xử lý vấn đề như thế nào?


Chưa thấy công trình nào đã bố trí vốn nhưng do Chỉ thị 1792 mà bị “tắc” lại bởi nguyên lý của Chỉ thị là do địa phương tự bố trí, thứ hai là địa phương đã được thông báo vốn, dự án đã được duyệt thì không có lý do gì dự án lại không được sử dụng nguồn vốn đã bố trí.

Cái mà địa phương muốn nói ở đây là trong vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ thì có một số dự án, công trình không đáp ứng nên bị “phanh” lại.

Địa phương đề xuất dự án lên nhưng trung ương khi kiểm soát thủ tục thấy không hợp lý thì không cho làm. Mà những công trình này chủ yếu rơi vào mấy nhóm công trình mới không có đủ vốn (Chỉ thị 1792 quy định muốn xây dựng công trình mới thì trong năm đầu tiên đối với nhóm B phải đảm bảo tối thiểu 20% vốn và nhóm C trong năm đầu tiên phải bố trí 35%).

Trung ương có thể hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương nhưng nếu địa phương không chứng minh mình đủ nguồn vốn cam kết góp vào dự án thì sẽ kiên quyết loại dự án ra khỏi danh mục đầu tư. Địa phương cho rằng dự án cấp thiết thì tại sao không tập trung nguồn lực cho những dự án này mà lại bố trí vốn nhỏ giọt cùng lúc cho nhiều dự án.

Mặt khác, những dự án mà địa phương muốn làm nhưng chưa được phê duyệt hay chưa đúng với yêu cầu của Chỉ thị 1792 là phải có nghiên cứu khả thi, mới chỉ là khái toán về đầu tư hay tiền khả thi... thì vốn cũng không được giao chứ không có tình trạng giao vốn cho địa phương rồi mà địa phương không được sử dụng.

Riêng về phần vốn trái phiếu chính phủ, đúng là trong vốn trái phiếu chính phủ có phân cho các dự án từng này tiền nhưng trong Nghị quyết của Quốc hội có quy định là không bố trí cho phần tăng quy mô, thế nên có trường hợp nhiều dự án Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ bố trí vốn, song khi trình ra Quốc hội, nếu công trình thay đổi quy mô thì không cho thanh toán nên tiền bị treo lại.

Đây chính là vấn đề mà các địa phương, bộ, ngành đang “kêu”, nhưng việc này kêu ca là không chính đáng. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa qua cũng xem xét lại danh mục dự án bị ách tắc để đề xuất phương án xử lý, chẳng hạn như những dự án cấp thiết như bệnh viện sẽ được ưu tiên hơn.
 
Năm 2012, nhiều ý kiến cho biết địa phương đầu tư dàn trải gây khó khăn cho các doanh nghiệp (điển hình là tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản tại địa phương). Theo quan điểm của ông, phương hướng giải quyết những vấn đề này như thế nào?

Tình trạng đầu tư dàn trải hơn chục năm qua đã khiến nợ trong đầu tư xây dựng cơ bản của các địa phương là rất lớn.

Theo Bộ Tài chính, con số này là trên 93.000 tỷ đồng trong khi số liệu sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là khoảng 85.000 tỷ. Con số chính thức về tổng số nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản dự kiến sẽ được công bố vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3/2013.

Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu các địa phương và bộ, ngành kê khai chi tiết con số nợ đọng cơ bản phân theo từng nguồn vốn, chẳng hạn vốn từ ngân sách nhà nước nếu làm quá thì đó mới là phần mà Nhà nước cần phải xem xét, còn nếu nằm trong phần vốn do địa phương quyết định thì địa phương phải có trách nhiệm xử lý... Sau khi có số liệu chính thức, Bộ mới đưa ra những giải pháp cụ thể để xử lý.

Thời gian qua, đúng là có chuyện doanh nghiệp “chết” do nhận thầu. Đây là hậu quả của việc bố trí nguồn vốn đầu tư dàn trải từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt Chỉ thị 1792 thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Ngoài ra, ngay trong Chỉ thị cũng đã quy định rõ thứ tự ưu tiên thanh toán, trong đó những công trình nào hoàn thành trước sẽ được ưu tiên thanh toán trước. Dẫu vậy, trên thực tế, có những dự án hoàn thành song cũng không được bố trí vốn trước, địa phương dùng vốn này để khởi công dự án mới hoặc cho những dự án khác. Việc này cần phải được kiểm soát một cách chặt chẽ.

Vốn ngân sách nhà nước được bố trí trong 3 năm tới, vốn trái phiếu chính phủ cũng được bố trí trong vòng 4 năm tới. Địa phương và bộ ngành biết được tổng mức vốn thì phải chủ động thanh toán, giải quyết nợ đọng cho các doanh nghiệp, nhưng phải theo đúng nguồn vốn chứ không được dùng vốn ngân sách trung ương để bù đắp cho phần vốn do địa phương thiếu hụt, thiếu tính toán cẩn trọng.
 
Năm 2013 từng được ông đánh giá là năm bản lề trong quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ bởi việc phân bổ vốn sẽ được công bố theo giai đoạn từ 2013-2015. Việc phân bổ vốn sẽ có tác động thế nào đến công tác đầu tư của cả nước nói chung và của các địa phương nói riêng, thưa ông?


Các nước đều lên kế hoạch vốn trung hạn chứ không làm theo từng năm như ở Việt Nam. Bố trí vốn theo trung hạn sẽ tạo sự chủ động cho cân đối vốn đầu tư nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại vấp phải sự phản đối từ nhiều phía, đặc biệt từ phía các bộ, ngành.

Làm kế hoạch đầu tư trung hạn là điều mà Chính phủ rất quyết tâm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng nghị định về đầu tư trong trung hạn và trong khi chưa ra được nghị định thì đã bước đầu triển khai, đó là kế hoạch trái phiếu chính phủ và tới đây là ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm.

Cách lập kế hoạch như vậy làm tính chủ động của địa phương cao hơn, doanh nghiệp tham gia dự án cũng an tâm hơn, không sợ dự án làm xong mà địa phương hay bộ ngành không thanh toán. Phần vốn giao cho các bộ ngành, địa phương cũng rất minh bạch, không phải đi “xin-cho” từng năm như trước kia, các doanh nghiệp có thể đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm và hiệu quả của đầu tư sẽ tăng cao hơn.