Cả nước chính thức có 9,2 triệu tài khoản chứng khoán, vượt xa mục tiêu Chính phủ đề ra
Tính đến cuối tháng 12/2024, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tổng cộng hơn 9,2 triệu tài khoản tương đương khoảng 9% dân số
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm gần 141.000 tài khoản trong tháng 12/2024. Trước đó tháng 11, số tài khoản nhà đầu tư trong nước tăng 135.295 tài khoản.
Trong tháng 12, số tài khoản tăng thêm chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân 140.559 tài khoản trong khi tổ chức chỉ có thêm 138 tài khoản.
Luỹ kế cả năm 2024, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng 2 triệu tài khoản.
Như vậy, tính đến cuối tháng 12, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tổng cộng hơn 9,2 triệu tài khoản tương đương khoảng 9% dân số, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 2025 và đang hướng đến 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể là quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Số lượng tài khoản chứng khoán tháng 12 tăng trong bối cảnh Vn-Index đóng cửa tháng 12 và năm 2024 tại 1.266,78 điểm, tăng 16,32 điểm tương đương tăng 1,31% so với tháng 11, với giá trị giao dịch bình quân phiên giảm nhẹ 3,6% về 11.766 tỷ đồng chỉ tính khớp lệnh.
Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 16.506 nghìn tỷ đồng trong tháng 12. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 13.279 tỷ đồng, giảm 1,5% so với mức bình quân tháng 11 và giảm 29,3% so với mức bình quân 1 năm.
Tính chung cả năm 2024, VN-Index tăng trưởng khiêm tốn 12,1% tương đương mức tăng của 2023 với thanh khoản hồi phục từ đáy hậu Covid-19. Xét theo phương thức khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 16,4 nghìn tỷ đồng trên HOSE và đạt 18,3 nghìn tỷ đồng trên 3 sàn, tăng lần lượt 21,1% và 16,9% so với năm 2023.
Nhà đầu tư cá nhân mua ròng 2958.6 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng 1344.7 tỷ đồng qua khớp lệnh.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 12/18 ngành, chủ yếu là ngành Bất động sản. Top mua ròng của nhà đầu tư cá nhân tập trung gồm: VCB, VRE, MWG, BID, FPT, NLG, VPB, CMG, VIC, VHM.
Phía bán ròng khớp lệnh: họ bán ròng 6/18 ngành chủ yếu là nhóm ngành Dịch vụ tài chính, Xây dựng và Vật liệu. Top bán ròng có: SSI, TCB, STB, CTG, DGC, HDB, CTR, VIX, HDG.