09:30 30/07/2021

Các doanh nghiệp đang chuyển mình, tăng tốc ứng dụng điện toán đám mây

Thu Hà

Trong 18 tháng vừa qua, đại dịch Covid đã làm thay đổi thực trạng thế giới, thay đổi cơ bản cách học tập, làm việc, giải trí theo phương thức mới. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp ở Việt Nam triển khai dự án chuyển đổi số nhanh hơn, đặc biệt trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như du lịch khách sạn, thương mại điện tử…

Ông Dean Samuels, Trưởng phòng công nghệ, AWS khu vực ASEAN.
Ông Dean Samuels, Trưởng phòng công nghệ, AWS khu vực ASEAN.

Các doanh nghiệp Việt Nam ở các quy mô đang có bước chuyển mình mạnh mẽ ứng dụng điện toán đám mây với các công nghệ mới AI, Analytics, IoT, máy học (Machine Learning) để đẩy mạnh chuyển đổi số, thông minh hóa hoạt động để thích nghi với sự thay đổi của môi trường kinh doanh do đại dịch Covid-19, mở rộng chiến lược kinh doanh, tăng tốc đưa sản phẩm dịch vụ ra thị trường, mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng.

Ông Dean Samuels, Trưởng phòng công nghệ, AWS khu vực ASEAN đã nhấn mạnh điều này khi chia sẻ về những xu hướng công nghệ mới sẽ tác động tới cuộc sống của người dân, doanh nghiệp toàn cầu trong 5 năm tới, cũng như những giá trị mà điện toán đám mây mang lại cho các doanh nghiệp ở mọi quy mô trong tất cả các ngành hiện nay.

CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ MỘT XU THẾ TẤT YẾU

Trong 18 tháng vừa qua, đại dịch Covid đã làm thay đổi thực trạng thế giới, thay đổi cơ bản cách học tập, làm việc, giải trí theo phương thức mới. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp ở Việt Nam triển khai dự án chuyển đổi số nhanh hơn, đặc biệt trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như du lịch khách sạn, thương mại điện tử…

Đơn cử như các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch phải tìm ra mô hình kinh doanh mới, nguồn doanh thu mới để tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Hoặc như thương mại điện tử cũng vậy, khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng đột biến, các doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ mới để đẩy nhanh tốc độ mở rộng, đáp ứng nhu cầu mới của thị trường và người dùng…

Nêu thực tế này, ông Dean Samuels khẳng định chuyển đổi số đang là 1 trong 4 xu thế tất yếu với các doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu, tạo sự thay đổi trong mọi lĩnh vực. Và các giải pháp công nghệ điện toán đám mây như của AWS đang hỗ trợ các doanh nghiệp giải bài toán chuyển đổi này.

Đây cũng là thời điểm tuyệt vời nhất để ứng dụng công nghệ bởi hiện nay các công nghệ mới như 5G kết hợp với máy học (ML), AI, thực tế ảo tăng cường AR/VR để hỗ trợ các ứng dụng…

Thực tế, một loạt các khách hàng ở Việt Nam đã đi theo các xu thế này như YOLO by VPBank, TNEX của MSB - là những nền tảng ngân hàng kỹ thuật số dựa trên nền tảng đám mây AWS, không chỉ cung cấp các dịch vụ ngân hàng thuần túy mà còn đưa ra các dịch vụ trong đời sống như: giải trí, book khách sạn, thuê xe…

Bên cạnh đó, xu thế smart everything (mọi thứ trở nên thông minh) cũng đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai. Ông Dean Samuels dẫn chứng trường hợp công ty Điện Quang đã thông minh hóa mọi thiết bị với giải pháp nhà thông minh, đưa AI vào hệ thống điều khiển đèn chiếu sáng. Hoặc như Movi, một công ty start-up về Fintech của Việt Nam đã ứng dụng công nghệ máy học (machine learning) trong nhận dạng hình ảnh, OCR - nhận dạng chữ viết để thực hiện quy trình eKYC và cung cấp dịch vụ cho công nhân nhà máy...

Chuyên gia này cũng cho biết, cloud everywhere (đám mây ở mọi nơi) đang trở thành xu thế khi mà các khách hàng trên phạm vi toàn thế giới có nhu cầu truy cập các dịch vụ đám mây bên ngoài phạm vi khu vực của AWS Region. Một loạt các giải pháp như AWS Outposts - triển khai dịch vụ đám mây ngay trong hạ tầng tại chỗ, AWS wavelength - cung cấp dịch vụ qua mạng 5G, AWS Snowball, AWS Snowcone - giải quyết khu vực kết nối không có hoặc thiếu ổn định… là vài trong số nhiều các giải pháp để AWS đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Ngoài ra, một xu thế được chuyên gia này đề cập chính là yếu tố bền vững cả về kinh doanh cũng như quản trị công ty và trách nhiệm môi trường thông qua cam kết không phát thải carbon đang được nhiều doanh nghiệp toàn cầu hướng tới trong đó có AWS.

THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM CÓ TỐC ĐỘ CHUYỂN ĐỔI CAO

Trước những xu thế chuyển đổi số hiện nay, đánh giá về mức độ ứng dụng ở thị trường Việt Nam, ông Dean Samuels chia sẻ, theo xu thế chung, Covid-19 đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hoá và sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ đã tăng tốc độ chuyển sang điện toán đám mây. Hiện nay, khách hàng của AWS tại Việt Nam hiện đã phủ rộng cả doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp và cơ quan nhà nước…

Ở tầm toàn cầu, theo thống kê và quan sát của hãng này, hai khu vực có tỷ lệ các doanh nghiệp chuyển sang điện toán đám mây cao nhất là ASEAN và sa mạc Sahara. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Các doanh nghiệp trong nước như VTV, Masan, VPbank,… cũng đã triển khai sử dụng đám mây và AWS cũng giúp họ vượt qua những khó khăn trong mùa dịch.

Trong vòng 18 tháng vừa qua, hãng đã hỗ trợ rất nhiều khách hàng ở Việt Nam trong việc sử dụng điện toán đám mây và chuyển đổi số, giúp họ mở rộng thị trường, tăng tốc phát triển. Ưu thế của giải pháp đám mây AWS cũng rất linh hoạt để hỗ trợ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng, cần thu nhỏ quy mô kinh doanh và không phải trả chi phí cho những phần đó.

Bà Shweta Jain, Trường phòng phát triển kinh doanh, Giải pháp Giải trí truyền thông, AWS khu vực APAC.
Bà Shweta Jain, Trường phòng phát triển kinh doanh, Giải pháp Giải trí truyền thông, AWS khu vực APAC.

Nhìn chung, kỳ vọng lớn nhất của các doanh nghiệp khi ứng dụng giải pháp điện toán đám mây chính là yếu tố tốc độ và sự linh hoạt. Bà Shweta Jain, Trưởng phòng phát triển kinh doanh, Giải pháp giải trí truyền thông, AWS khu vực APAC cho rằng, “trong bối cảnh đại dịch Covid, các doanh nghiệp đặt ra 2 yêu cầu quan trọng nhất, đó là tốc độ đưa sản phẩm dịch vụ ra thị trường và tối ưu hoá chi phí hoạt động. Khi sử dụng điện toán đám mây, các doanh nghiệp có thể hiện thực hoá được cả hai yêu cầu này”.

Với giải pháp của AWS, các doanh nghiệp, ví dụ trong ngành ngân hàng, có thể triển khai ứng dụng mới ra thị trường trong vòng 4 tháng thay vì 12 tháng hoặc dài hơn như trước đây. Trên đám mây, các doanh nghiệp có được độ linh hoạt, có tốc độ và tính uyển chuyển để đưa ra những dịch vụ mới một cách nhanh hơn.

Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hoá và sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ đã tăng tốc độ chuyển sang điện toán đám mây. Hai khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp chuyển đổi sang điện toán đám mây cao nhất là ASEAN và sa mạc Sahara. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.