07:09 14/03/2013

Các ngân hàng thu lãi bao nhiêu trong năm 2012?

Minh Đức

Chênh lệch thu, chi toàn ngành ngân hàng trong năm 2012 rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008

Con số lợi nhuận cụ thể trong năm 2012 vẫn là ẩn số tại nhiều ngân hàng, đặc biệt ở các thành viên chưa niêm yết và cởi mở thông tin.<br>
Con số lợi nhuận cụ thể trong năm 2012 vẫn là ẩn số tại nhiều ngân hàng, đặc biệt ở các thành viên chưa niêm yết và cởi mở thông tin.<br>
Số liệu tổng hợp từ báo cáo bước đầu của các tổ chức tín dụng đã hé mở bức tranh lợi nhuận trong năm 2012.

20 tỷ USD trả lãi ngân hàng?

Ngày 12/3/2013, trong thư gửi về VnEconomy, phó tổng giám đốc phụ trách quản lý nguồn vốn của một ngân hàng thương mại cổ phần đặt vấn đề trao đổi và tìm hiểu thêm về một số dữ liệu liên quan đến việc thu lãi của các ngân hàng trong năm vừa qua.

Người trong cuộc này hoài nghi khi cho rằng, một số tính toán đưa ra con số khoảng 20 tỷ USD mà các tổ chức tín dụng thu lãi của người dân, doanh nghiệp vay vốn trong năm 2012 là chưa thuyết phục. Ông cho rằng, con số đó tính theo lãi suất cho vay bình quân khoảng 15%/năm, trên tổng dư nợ hơn 2,7 triệu tỷ đồng là cần xem xét lại.

“Về góc nhìn, tôi cho rằng nếu đúng là 20 tỷ USD thì đâu phải ngân hàng được hưởng toàn bộ, mà phải trả lãi suất cho người gửi tiền, ngân hàng chỉ được hưởng một phần chênh lệch lãi suất. Cần nói rõ ra như vậy, chứ nói thu 20 tỷ USD nghe khủng khiếp quá. Mà nếu vậy chi phí đó do đâu? Do trả cho người gửi tiền, vì nếu lãi suất huy động thấp thì vốn khó vào ngân hàng. Như nay, lãi suất huy động giảm về 8%/năm, nhiều người gửi tiền đã cân nhắc gửi, hay là mua vàng, ngoại tệ…”, vị phó tổng giám đốc trên nêu quan điểm.

Theo ông, mức lãi suất 15%/năm để tính toán cho con số 20 tỷ USD đó cũng chưa đủ tính đại diện cho tổng dư nợ của toàn nền kinh tế. Một là, về cơ cấu có tín dụng nội tệ và tín dụng ngoại tệ; tín dụng ngoại tệ lãi suất rất thấp, chỉ khoảng 5% - 7%/năm. Hai là, trong năm 2012, những mức lãi suất từ 15%/năm trở lên không chiếm tỷ trọng áp đảo, thậm chí sau 15/7 đã rút về chỉ còn trên dưới 25%. Mặt khác, nhiều ngân hàng vẫn áp dụng lãi suất cho vay VND phần lớn thời gian trong năm 2012 chỉ từ 9% - 11%/năm với các lĩnh vực ưu tiên, với khách hàng tốt để cạnh tranh…

“Để xem các ngân hàng đã thu lãi như thế nào trong năm qua, có thực sự khủng khiếp hay không, theo tôi cần đánh giá theo chênh lệch lãi suất. Cũng lưu ý là trong năm 2012, dễ nhận thấy tốc độ giảm lãi suất cho vay nhanh và mạnh hơn lãi suất huy động”, vị phó tổng giám đốc trên lưu ý thêm.

Nhìn từ số liệu thống kê

Do phần lớn các tổ chức tín dụng, đặc biệt ở khối chưa niêm yết, đến thời điểm này vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2012. Những thành viên đã công bố, hiện có thể định hình một phần của bức tranh lợi nhuận, song vẫn cần kết quả cuối cùng qua kiểm toán.

Để có được bức tranh tổng thể bước đầu, VnEconomy đã tham vấn số liệu thống kê sơ bộ của vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước.

Kết quả ước tính cho thấy, chênh lệch thu - chi toàn ngành ngân hàng trong năm 2012 ước chỉ đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, là mức thấp nhất kể từ năm 2008 và cũng chỉ gần tương đương mức chênh lệch thu - chi của năm 2008, hay chỉ bằng khoảng 40% mức của năm 2011. Điểm rơi này được giải thích chủ yếu do chênh lệch lãi suất đầu ra - đầu vào giảm, chi phí dự phòng rủi ro gia tăng, tín dụng tăng trưởng thấp.

Xét về hiệu quả kinh doanh qua các chỉ số cơ bản là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), kết quả năm 2012 bình quân ngành ngân hàng chỉ bằng khoảng 40% so với mức của năm 2011. Đây cũng là lý do khiến nhiều tổ chức tín dụng sẽ không có cổ tức trả cho năm qua, nơi có thì phổ biến chỉ từ 7 - 10%, thậm chí một số trường hợp lỗ ăn vào vốn.

Ở một dữ liệu khác, ước tính từ số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, năm 2012 họ đã trả lãi tiền gửi, tiền vay khoảng 408 nghìn tỷ đồng. Chi phí lãi (tính chung cả ngoại tệ và VND) bình quân nền kinh tế trả cho ngân hàng (tạm tính là lãi cho vay) là khoảng 12,7%. Chênh lệch giữa thu lãi suất cho vay và lãi suất huy động vốn ước tính chỉ còn 1,19% (thấp hơn so với mức 1,54% của năm 2011), trong đó chưa bao gồm các chi phí hoạt động, chi phí quản lý.

Ngoài các chi phí hoạt động khác, ước tính riêng trong năm 2012 ngành ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trên 51 nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách 12,6 nghìn tỷ đồng.

Các số liệu cuối cùng hiện vẫn còn chờ báo cáo tài chính hợp nhất và được kiểm toán, bởi thời gian qua thu - chi của các ngân hàng có thể thay đổi qua soát xét, thậm chí từng có tình trạng ngân hàng lỗ vẫn báo lãi, hoặc có động cơ làm đẹp sổ sách mà phân loại nợ và trích lập dự phòng chưa nghiêm túc.