Các tỉnh Tây Bắc khai thác di sản ruộng bậc thang thành sản phẩm du lịch
Những tờ báo quốc tế về du lịch đã nhiều lần khẳng định: ruộng bậc thang “đem đến khung cảnh ngoạn mục và mang tính biểu tượng” cho vùng cao Tây Bắc. Những giá trị văn hóa độc đáo và riêng có này đã mở ra nhiều cơ hội trong việc khai thác tiềm năng du lịch...
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng canh tác ruộng bậc thang từ trước đến nay đã góp phần ổn định lương thực, xuất khẩu hàng hóa choc các địa phương. Hiện nay, các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đã gắn với đó để phát triển du lịch. Đây là hướng đi đúng góp phần cải thiện đời sống đồng bào, mở rộng hợp tác, rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh miền núi với miền xuôi, hòa mình vào thế giới rộng lớn để khẳng định mình, tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của mình.
Tháng 9 là thời điểm đẹp nhất để du khách lên huyện vùng cao Hoàng Su Phì (Hà Giang) ngắm những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín vàng. Tỉnh Hà Giang đã phát huy những tiềm năng văn hóa, danh thắng để phát triển kinh tế du lịch. Do đó, từ năm 2012 đến nay, huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức định kỳ hằng năm chương trình du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” với nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa. Năm nay, tuần văn hóa du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” được huyện Hoàng Su Phì tổ chức từ ngày 16/9 đến cuối tháng 9 với nhiều hoạt động đặc sắc.
Tuần văn hóa du lịch năm nay có chủ đề “Tiếng gọi mùa vàng”, với nhiều hoạt động hấp dẫn: Trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện; trải nghiệm không gian chợ phiên vùng cao; trình diễn quy trình chế tác và bán các sản phẩm nghề truyền thống rèn đúc, đan lát, chạm bạc, thêu thổ cẩm; “Ngày hội bản Dao” tại các xã Bản Luốc, Thông Nguyên…
Ngoài ra, các xã còn tổ chức nhiều hoạt động như: Tham quan trải nghiệm ruộng bậc thang, làng nghề truyền thống, bắt cá chép ruộng, khám phá đỉnh núi Chiêu Lầu Thi và nhiều môn thể thao truyền thống như bắn nỏ, đánh yến, thi đan quẩy tấu, thi thêu thổ cẩm, múa võ cổ truyền dân tộc…
Cùng thời gian này, Festival dù lượn "Bay trên miền danh thắng năm 2023" vừa được khai mạc tại bản Lìm Mông, xã Cao Phạ, Yên Bái. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động du lịch mùa vàng năm 2023. Tháng 9 là lúc Mù Cang Chải vào thời điểm đẹp nhất trong năm - mùa lúa đổ vàng trên những thửa ruộng bậc thang.
Đây cũng là thời điểm tuyệt vời để các phi công thực hiện những chuyến bay cho khách ưa du lịch mạo hiểm. Với chủ đề "Hạ cánh chính xác", ngay sau Lễ khai mạc, du khách được trải nghiệm những màn trình diễn chưa từng có do các phi công thể hiện như nhảy dù từ độ cao 2.000m, 3.900m; các pha trình diễn nhào lộn; tạo hình trên không của các phi công dù lượn…
Trước đó, đoàn khảo sát xây dựng, công bố sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2023 cũng vừa có chuyến khảo sát thực tế về sản phẩm du lịch ruộng bậc thang “Hùng vĩ Tây Bắc” tại xã Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Tham gia đoàn khảo sát có đại diện các cơ quan, đơn vị: Phòng quản lý lữ hành, Viện nghiên cứu phát triển du lịch – Cục Du lịch quốc gia; Cục Di sản văn hóa – Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Đại diện Sở Du lịch TP.HCM, đại diện các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị truyền thông…
Khu vực ruộng bậc thang Chung Chua có diện tích 30ha, do người dân 2 bản Dền Thàng A, B canh tác từ nhiều năm nay. Trong quá trình khai phá, đồng bào dân tộc Mông nơi đây đã làm nên những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Hiện đang bước vào mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang ở khu vực Chung Chua càng trở nên rực rỡ hơn bởi những vạt lúa chín vàng, nối tiếp nhau, tạo nên khung cảnh tự nhiên, rất riêng của vùng núi Tây Bắc.
Theo đánh giá của đoàn khảo sát, ruộng bậc thang ở Dào San không chỉ đẹp mà còn khá rộng, ít nơi nào có được. Theo đoàn khảo sát, thời gian tới, các doanh nghiệp lữ hành và đơn vị truyền thông sẽ có kế hoạch quảng bá hình ảnh con người cũng như ruộng bậc thang ở Dào San đến với du khách trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp lữ hành cũng sẽ phối hợp với các địa phương trong việc tìm giải pháp kết nối, mở các chuyến du lịch hấp dẫn qua các tỉnh Tây Bắc, trong đó có Lai Châu.
Tại Hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch” do nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM tổ chức, các đại biểu tham dự đều nhận định ruộng bậc thang khu vực Tây Bắc có vẻ đẹp độc đáo, kỳ vĩ, kết tinh từ văn hóa và lao động của con người vùng cao.
Trong những năm qua, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM đã từng bước khẳng định hiệu quả, phù hợp với xu hướng liên kết phát triển du lịch trong giai đoạn mới, thúc đẩy hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, phát huy giá trị tài nguyên du lịch của từng địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch chung của cả vùng.
Từ đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch từ danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang như: Xây dựng các tour, tuyến kết nối giữa các địa điểm có ruộng bậc thang đẹp; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như đường giao thông, dịch vụ viễn thông, cơ sở lưu trú, ăn uống; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, tăng cường hoạt động phục dựng và trình diễn các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc, tạo điểm nhấn thu hút du khách; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang tới du khách trong và ngoài nước...
Có thể nói, vùng Tây Bắc mở rộng gồm 8 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái sở hữu tiềm năng du lịch lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Đặc biệt, các tỉnh trong khu vực có hàng chục nghìn ha ruộng bậc thang, trong đó 3 địa danh là huyện Mù Cang Chải có gần 2.200 ha, huyện Hoàng Su Phì gần 765 ha và Sa Pa gần 1.000 ha đã được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia. Đây là tiềm năng rất lớn để các tỉnh liên kết, phát triển du lịch.
Đặc biệt, gần đây Hà Giang vừa được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) trao giải Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023 (Asia's Leading Emerging Tourism Destination 2023). Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, trong 8 tháng đầu năm 2023, hoạt động du lịch của tỉnh có nhiều khởi sắc với hơn 1,9 triệu lượt khách. Riêng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua (từ ngày 1 đến ngày 4/9), tổng lượng khách du lịch đến Hà Giang ước đạt 75.680 lượt người, trong đó khách nước ngoài ước đạt 4.592 lượt người, khách nội địa 71.088 lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 177,8 tỷ đồng.