Cách mạng số trong ngành dịch vụ tài chính: mới là khúc dạo đầu
Công nghệ mới đang khiến các dịch vụ tài chính trở nên nhanh chóng, dễ dàng, với chi phí hợp lý hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bản thân các dịch vụ này về cơ bản vẫn mang tính truyền thống. Điều này sắp tới sẽ thay đổi…
Ngành ngân hàng đang chứng kiến một số chuyển biến tích cực để tạo tiền đề cho một bứt phá tiên phong. Khối lượng giao dịch không dùng tiền mặt dự kiến sẽ tăng gần gấp ba lên 3.000 tỷ trong giai đoạn 2020-2030, trong đó châu Á-Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh nhất, với khối lượng giao dịch không dùng tiền mặt tăng đến 109% vào năm 2025. Thanh toán cho tiêu dùng có thể thực hiện trên nhiều nền tảng và trong nhiều trường hợp gần như được thực hiện tức thời. AI đang đóng một vai trò lớn hơn trong quá trình ra quyết định vay.
Một số định chế tài chính, chẳng hạn như HSBC, đã khai thác AI để cải thiện các quyết định đầu tư cá nhân. Và công nghệ chuỗi khối (blockchain) đang bắt đầu tạo được ảnh hưởng nhất định trong việc thúc đẩy tài trợ thương mại và sự bùng nổ tài sản số. “Chúng tôi cũng nhìn thấy những cơ hội từ mô hình ngân hàng mở (open banking) trở nên phổ biến hơn với sự ra đời của các trung gian kết nối API mở (open API) nhằm tiếp tục nâng cao khả năng tiếp cận của khách hàng đến dịch vụ ngân hàng và hơn thế nữa”, ông Shayan Hazir, Giám đốc giải pháp số khu vực ASEAN của HSBC cho biết.
Đây là những bước tiến quan trọng nhưng theo Shayan Hazir, vẫn có nhiều thứ chưa thực sự thay đổi ngay được. Chúng ta có thể không còn sử dụng séc hàng ngày nữa nhưng ngân hàng vẫn có những tài khoản séc vốn quen thuộc với khách hàng thuộc thế hệ cũ. Nhiều mảng trong dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp vẫn còn bộc lộ điểm yếu, chẳng hạn như giao dịch chậm và hệ thống không tương thích. Và mảng tài trợ thương mại vẫn tạo ra hàng núi giấy tờ, đó mới chỉ là vài ví dụ sơ bộ.
Ngay cả tiền mã hóa từ khi xuất hiện đã mang bao hứa hẹn về những thay đổi mang tính cách mạng, giờ bị đánh giá là quá chậm, ngốn năng lượng và không đủ ổn định để mở rộng đến ngưỡng có thể thách thức đồng tiền truyền thống.
Công nghệ mới và mức độ kết nối gần như toàn cầu đã thay đổi hoàn toàn cách người dân và doanh nghiệp tương tác với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, cuộc cách mạng lớn nhằm thay đổi bản chất của ngành dịch vụ tài chính dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Nếu ý nghĩa sâu xa của lời hứa hẹn về dịch vụ ngân hàng số xoay quanh dịch vụ mới được tiếp cận theo cách thức mới thì thực tế việc cung cấp dịch vụ mới lại chưa theo kịp bước tiến thần tốc của các kênh phân phối mới.
Dịch vụ tài chính vẫn là một ngành đang trong quá trình chuyển đổi. Biên lợi nhuận ngân hàng đã giảm 25% trong vòng 15 năm qua và các thị trường đều đứng trước mối lo về tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai. Một báo cáo từ Boston Consulting ước tính rằng chưa đến 1/3 các ngân hàng có đầu tư xứng đáng vào hệ sinh thái tài chính số. Tuy nhiên, khi điện toán đám mây, API mở và tài chính tích hợp đạt đến ngưỡng thay đổi, sự giao thoa của các công nghệ đó với những công nghệ mới như blockchain/công nghệ sổ cái phân tán, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử sẽ tạo ra một "vụ nổ big bang" trong lĩnh vực công nghệ giúp thay đổi hoàn toàn diện mạo ngành dịch vụ tài chính.
Ví dụ như trong một viễn cảnh tương lai không xa, khi việc áp dụng blockchain, AI tạo sinh và dữ liệu ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) trở nên phổ biến. Một giám đốc tài chính (CFO) của một tập đoàn đa quốc gia lớn có trách nhiệm quản lý tài chính của doanh nghiệp và đảm bảo tuân thủ ESG.
Với việc sử dụng blockchain, vị CFO này có thể đảm bảo minh bạch trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình. Mỗi sản phẩm họ sản xuất ra đều có nhận dạng số riêng biệt dựa trên công nghệ blockchain, ghi lại toàn bộ quá trình từ khi còn là nguyên liệu thô đến khi sản phẩm được phân phối. Công ty cũng sẽ có thể tận dụng các giải pháp tài chính tích hợp để quy trình thanh toán trong chuỗi cung ứng trở nên thông suốt. Hợp đồng thông minh trên blockchain sẽ tự động kích hoạt thanh toán cho nhà cung cấp sau khi giao hàng thành công và xác minh việc tuân thủ ESG. Như vậy, chi phí hành chính có thể giảm bớt và nguồn vốn được phân bổ hiệu quả.
Tương tự như vậy về phía người tiêu dùng, việc tích hợp blockchain và AI vào thói quen hàng ngày sẽ dẫn đến những thay đổi về hành vi có tác động to lớn vượt ra ngoài phạm vi ngành ngân hàng.
Cũng theo Shayan Hazir, có 3 lĩnh vực có thể sẽ chứng kiến thay đổi lớn trong vòng năm năm tới. Thứ nhất là Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh của họ để quét mã QR trên sản phẩm trong cửa hàng tạp hóa hoặc gian hàng trực tuyến để cân nhắc lựa chọn mua hàng sáng suốt dựa trên dữ liệu ESG. Công nghệ blockchain đằng sau những chiếc mã này cung cấp thông tin chi tiết về quá trình sản xuất sản phẩm, bao gồm xuất xứ, mức độ đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức về cung ứng và lượng phát thải các-bon.
Thứ hai là Trải nghiệm mua sắm riêng biệt nhờ AI: Ứng dụng mua sắm sử dụng AI tạo sinh để phân tích các giao dịch mua hàng, sở thích và giá trị bền vững trước đó. Từ đó, ứng dụng đề xuất các sản phẩm phù hợp với ưu tiên về ESG của người tiêu dùng. Ví dụ, nếu người tiêu dùng thích các sản phẩm có lượng phát thải các-bon thấp, AI sẽ đề xuất các lựa chọn thân thiện với môi trường.
Cuối cùng là Thanh toán bằng Tiền số của Ngân hàng Trung ương (Central Bank Digital Currency - CBDC): Người dùng có thể sử dụng CBDC để thanh toán, mang đến sự minh bạch và bảo mật nhiều hơn. Người tiêu dùng sẽ biết liệu giao dịch tài chính của mình có đủ hiệu quả và có thể truy xuất thông tin, giảm bớt nhu cầu trung gian ngân hàng truyền thống. Người tiêu dùng cũng có thể phân bổ chi tiêu của họ dựa trên ràng buộc tiền với mục đích chi tiêu để đảm bảo rằng nguồn tiền được phân bổ cho các mục đích cụ thể đang được sử dụng đúng mục đích đó.
Chúng ta đang bước vào một thế giới nơi hạ tầng tài chính đang trải qua quá trình điều chỉnh, sắp xếp lại theo hướng trực quan hơn, hiệu quả hơn, sâu sắc hơn và đương nhiên hướng tới bền vững. Công nghệ (blockchain, DLT, AI/GenAI, điều phối dữ liệu ESG) đều đang sẵn có, tuy nhiên, điều tối quan trọng bây giờ là cách các công nghệ khác nhau này tương tác và tiếp xúc với nhau, hành lang chính sách và pháp lý cần thiết nhằm đảm bảo triển khai các cơ hội và tiêu chuẩn theo hướng an toàn và có trách nhiệm, và đặc biệt là nguồn nhân tài cần thiết để hiện thực hóa điều đó phải có thể hợp tác hài hòa với nhau.
“Cuối cùng, mỗi mắt xích, mỗi bánh răng cưa trong hệ sinh thái tài chính cần phối hợp ăn ý cùng nhau để tạo ra sự thay đổi đang được trông đợi một cách nhanh chóng, hiệu quả, bền vững và tạo ra giá trị trên quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử”, ông Shayan Hazir, nhấn mạnh.