15:13 10/09/2018

Cách phòng bệnh hô hấp cho trẻ lúc giao mùa

An Nhiên

Ở trẻ em sức đề kháng còn kém, vào thời điểm giao mùa khi thời tiết trở nên lạnh hơn rất dễ mắc các căn bệnh đặc biệt là bệnh lý viêm đường hô hấp. Lúc này, làm thế nào để phòng và điều trị bệnh hiệu quả cho trẻ, tránh những biến chứng là điều mà các bậc phụ huynh rất quan tâm, lo lắng. 

 
Theo các bác sĩ, số lượng trẻ đến khám, và nhập viện điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp tăng lên rõ rệt trong thời điểm giao mùa hiện nay. Vì vào thời điểm này, khi sức đề kháng bị suy giảm, các vi sinh vật gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh.
Cách phòng bệnh hô hấp cho trẻ lúc giao mùa - Ảnh 1.

Cha mẹ quan sát cách trẻ ho, nhịp thở để phát hiện bệnh

Phân biệt các bệnh về đường hô hấpHệ hô hấp của con người bao gồm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới, đảm nhận chức năng xử lý không khí cung cấp ô xy và loại bỏ khí thải, duy trì sự sống. Đường hô hấp trên bao gồm các bộ phận mũi, các xoang cạnh mũi, hầu, họng, thanh quản. Không khí khi hít vào cơ thể sẽ được các cơ quan thuộc đường hô hấp trên lọc sạch, làm ẩm và sưởi ấm trước khi đi theo khí quản đến phối, rồi theo mạch máu đi khắp cơ thể. Lượng khí thải sẽ theo máu trở về phổi và đi qua đường hô hấp trên để thoát ra môi trường bên ngoài.Do vị trí giải phẫu và chức năng hoạt động nên đường hô hấp trên thường xuyên tiếp xúc với các vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác; là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với không khí nên hầu như mọi điều kiện bất lợi của môi trường đều xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp trên: khói bụi, lạnh, nóng, hơi độc, các vi rút, vi khuẩn, nấm mốc. Bởi thế, nếu xét về tỷ lệ mắc bệnh hô hấp thì tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp trên chiếm phần lớn so với tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp khác.PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Nguyên Giám đốc BV Tai – Mũi – Họng Trung ương cho biết, những bệnh đường hô hấp hay gặp nhất lúc giao mùa là viêm mũi họng, viêm mũi xuất tiết và viêm VA. Bệnh thường diễn biến khá nhanh, có thể trong vòng 1 – 2 ngày bệnh nhân đã từ bình thường chuyển thành suy hô hấp. Nếu không được chữa trị cẩn thận, bệnh có thể gây biến chứng viêm tai giữa nặng hơn dẫn đến viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi khiến việc điều trị kéo dài và khó khăn.
Cách phòng bệnh hô hấp cho trẻ lúc giao mùa - Ảnh 2.

Đảm bảo giữ ấm cho trẻ khi trời chuyển lạnh

Cha mẹ cần lưu ý những triệu chứng ở trẻ. Nếu trẻ ho, chảy nước mũi thì thường là viêm mũi họng. Khi trẻ ho nặng, tiếng khàn, nôn trớ là viêm amidan, nếu trẻ ho nhiều kèm khó thở có thể là viêm phế quản. Khi cánh mũi phập phồng, khó thở, không ăn được, người mệt mỏi có thể bị viêm phổi. Nếu bé thở nhanh, thở nông, cánh mũi phập phồng hay sốt cao trên 3 ngày không dứt cần đưa ngay tới bệnh viện. Chăm sóc trẻ khi nhiễm bệnh
Với bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thì việc chăm sóc rất quan trọng, cha mẹ phải thường xuyên vệ sinh mũi, họng cho trẻ, một ngày ít nhất 3- 4 lần; nếu có đờm dãi cần hút cho trẻ, và đặc biệt là dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và theo dõi những dấu hiệu nặng như trẻ khò khè, thở rít hoặc tím tái cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay.
Ths.BS Doãn Thị Tường Vi, Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng cũng chia sẻ thêm, cha mẹ không nên tự ý dùng máy khí dung cho trẻ vì máy khí dung nếu không vệ sinh sạch sẽ có thể là ổ nhiễm khuẩn, mỗi lần thực hiện sẽ đưa vi khuẩn vào mũi họng; nếu dùng phải có đơn của bác sĩ và cần vệ sinh máy sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng.
Cách phòng bệnh hô hấp cho trẻ lúc giao mùa - Ảnh 3.

Tăng cường lượng rau củ, trái cây giúp trẻ phòng bệnh hô hấp tốt hơn

Ngoài ra, khi trẻ bị bệnh hô hấp, bé thường mệt mỏi, biếng ăn, để đảm bảo được chế độ dinh dưỡng cho bé, đối với những bé còn đang trong độ tuổi bú mẹ, chúng ta tiếp tục cho bé bú, đấy là phương pháp dinh dưỡng tốt nhất nhưng lưu ý tăng số lần trẻ bú. Đối với bé không còn bú mẹ thì chế biến món ăn phải mềm, lỏng và nhừ giúp bé ăn dễ hơn. Nấu các món trẻ dễ hấp thu như cháo, phở súp: cháo thịt lợn, thịt gà, súp thịt bò cà chua… Việc chế biến món ăn cần đa dạng đủ chất dinh dưỡng, với các nhóm thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, rau củ, dầu mỡ. Chúng ta cố gắng cho bé ăn nhiều, nếu bé khóc dỗ bé nín và cho ăn tiếp. Bổ sung thêm hoa quả tươi uống các loại như nước cam chanh, bưởi, quýt cung cấp vitamin và khoáng chất. Nếu bé nôn và sốt ta phải bù nước cho trẻ uống thêm dung dịch oresol.
Để phòng bệnh hô hấp cho trẻ:+ Cần giữ ấm cho trẻ khi thời tiết chuyển lạnh. Có thể kiểm tra bằng cách sờ chân tay bé nếu ấm là bé đã đủ ấm, còn nếu lạnh là bé đã bị lạnh. + Cẩn thận khi tắm cho trẻ, nên tắm nước ấm, trong phòng kín gió, tắm xong lau người thật nhanh và mặc quần áo cho trẻ. + Không để gió lùa vào phòng học, phòng ngủ, chỗ chơi của trẻ. + Trong lúc trẻ ngủ, nên cho trẻ mặc quần áo dài mỏng mát, nên đắp chăn ngang bụng, lưu ý không để trẻ nằm gần quạt hoặc hướng điều hòa. + Tập cho trẻ vệ sinh răng miệng hàng ngày. Với trẻ lớn nên xúc họng bặng nước muối sinh lý. + Không nên cho trẻ ăn uống các loại thức ăn nguội lạnh, nhất là uống nước lạnh. + Tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ. Nên cho trẻ ăn trái cây để có đủ khoáng chất cần thiết tạo kháng thể chống các tác nhân gây nhiễm trùng. + Giữ môi trường bé ở sạch sẽ thoáng mát, bố mẹ không hút thuốc lá, thay chăn ga gối đệm thường xuyên, 1 tuần/ lần, tránh những nơi khói bụi, đông người. + Hàng năm nên tiêm phòng cho trẻ để tránh cảm cúm và những bệnh đường hô hấp.