06:52 20/08/2021

Cài đặt và truy cập ứng dụng fintech, game ở Việt Nam đang tăng vọt

Đỗ Phong

Việt Nam là một trong những nước có mức độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực về số lượt cài đặt và truy cập các ứng dụng di động như fintech và game trong nửa đầu năm 2021...

Game và Fintech là những ứng dụng có lượt tải và truy cập tăng mạnh. Ảnh minh họa
Game và Fintech là những ứng dụng có lượt tải và truy cập tăng mạnh. Ảnh minh họa

Báo cáo xu hướng ứng dụng di động khu vực APAC vừa được Adjust phát hành cho thấy bức tranh tốc độ tăng trưởng của ngành di động của 3 mảng fintech, thương mại điện tử và game trên cả các chỉ số về lượt cài đặt, số phiên truy cập, tái phân phổ, tỷ lệ trả phí…

VIỆT NAM DẪN ĐẦU CUỘC ĐUA CÀI ĐẶT ỨNG DỤNG

Giai đoạn 2019-2020 và dữ liệu đến hết tháng 5/2021, APAC đều ghi nhận đà tăng về số lượt cài đặt (31%) và phiên truy cập (54%). Trên cả ba ngành (fintech, thương mại điện tử và game), số lượt cài đặt đã tăng 31% từ năm 2019 đến năm 2020. Đà tăng tiếp tục sang năm 2021, khi số lượt cài đặt đã tăng thêm 4%.

Ở các quốc gia được phân tích trong báo cáo, hầu như ngành nào cũng tăng trưởng trong đó, fintech và game hypercasual có sức bền sau đợt tăng đột biến ở thời điểm phong tỏa, khi tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2021.

 
Ngày càng nhiều người lựa chọn thanh toán và sử dụng dịch vụ ngân hàng qua thiết bị di động, thúc đẩy số lượt cài đặt ứng dụng fintech tăng 36% trong năm 2020. Thái Lan và Việt Nam là 2 nước dẫn đầu cuộc đua với tỷ lệ là 100% và 97%.

Mặc dù tốc độ tăng tại nhiều quốc gia có phần chậm lại trong năm 2021 (so với đợt phong tỏa đầu tiên năm 2020 và số lượt cài đặt ghi nhận) nhưng riêng Việt Nam và Singapore lại chứng kiến con số tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Số lượt cài đặt tại Singapore và Việt Nam tăng lần lượt là 49% và 43% (so với 2% và 27% trong năm 2020). Trong năm 2020, Nhật Bản có mức tăng mạnh nhất khu vực với tỷ lệ 32%, cao hơn mức tăng trung bình của khu vực (31%).

Nếu xét số lượt cài đặt tại APAC theo ngành, có thể thấy fintech, thương mại điện tử, game hypercasual và game non-hypercasual đều tăng mạnh trong năm 2020 và vẫn đang phát triển mạnh mẽ trong năm 2021. Game hypercasual đứng đầu trong cả hai khoảng thời gian xem xét dữ liệu (66% và 49%), sau đó là fintech (36% và 18%) và thương mại điện tử (27% và 8%).

Cụ thể, trong lĩnh vực fintech, ngày càng nhiều người lựa chọn thanh toán và sử dụng dịch vụ ngân hàng qua thiết bị di động, thúc đẩy số lượt cài đặt ứng dụng fintech tăng 36% trong năm 2020. Thái Lan và Việt Nam là 2 nước dẫn đầu cuộc đua với tỷ lệ là 100% và 97%, theo sau là Singapore (72%). Sang năm 2021, số lượt cài đặt tại tất cả quốc gia tiếp tục tăng, trong đó Indonesia tăng mạnh nhất (89%), Singapore (70%) và Hàn Quốc (62%) là nổi bật hơn cả.

Trong thương mại điện tử, số lượt cài đặt tăng trung bình 27% từ năm 2019- 2020, và 8% từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2021. Nhật Bản ghi nhận tỷ lệ cao hơn với 31% và 9%. Riêng Hàn Quốc, số liệu năm 2020 vượt xa tỷ lệ trung bình khu vực khi ghi nhận mức tăng 45%, còn năm 2021 thì cao hơn trung bình 2%.

Riêng thị trường game non-hypercasual bùng nổ mạnh nhất tại Việt Nam, khi tốc độ tăng trưởng năm 2020 cao hơn 37% so với năm 2019. Tiếp sau đó là Indonesia (34%) và Ấn Độ (33%). Nửa đầu năm 2021, tỷ lệ này có nhiều thay đổi, đứng đầu là Singapore (80%), Việt Nam (51%) và Nhật Bản (41%).

TĂNG TRƯỞNG NGOẠN MỤC VỀ SỐ PHIÊN TRUY CẬP

Về số phiên truy cập, năm 2020 Việt Nam là quốc gia duy nhất không tăng trưởng (giảm 9%), nhưng nửa đầu năm 2021, số phiên truy cập đã tăng trưởng ngoạn mục, lên tới 12%.

Trong khu vực, Nhật Bản có số phiên truy cập tăng nhanh từ năm 2019 đến năm 2020 (101%) và tăng ổn định trong đầu năm 2021 (16%). Hàn Quốc năm 2021 tăng 19% (vượt mức 14% của 2020). Với Singapore, năm 2020 dù cũng chỉ tăng 1% nhưng năm 2021 đã có bước tiến nhanh nhất với tỷ lệ 34%.

Nhìn tổng thể các ngành, số phiên truy cập của ứng dụng fintech và game hypercasual tăng mạnh trong năm 2020, lần lượt là 110% và 60%. Tỷ lệ này tiếp tục tăng trong năm 2021 với 45% của fintech và 5% của game hypercasual. Số phiên truy cập của ứng dụng thương mại điện tử và game non-hypercasual cũng tăng đáng kể trong năm 2020 và đã giữ được nhịp tăng cho đến nay.

 
Lượt cài đặt và phiên truy cập là 2 chỉ số quan trọng nói lên mức độ phổ biến của một loại ứng dụng, đặc biệt trong thời đại người dân sử dụng thiết bị di động ngày một nhiều. Nếu sử dụng các điểm dữ liệu chuyên sâu, các doanh nghiệp có thể biết được mong đợi của người dùng đối với ứng dụng và biện pháp cải thiện trải nghiệm in-app để phục vụ tốt hơn.

Các chuyên gia cho biết, trong khu vực APAC, năm 2020 là năm thành công của ứng dụng fintech, trong đó tốc độ tăng trưởng cao nhất được ghi nhận tại Hàn Quốc (123%) và Nhật Bản (104%). Các kết quả này tiếp tục được duy trì sang năm 2021 khi cả hai quốc gia vẫn ghi nhận số phiên tăng cao (110% và 43%).

Tuy nhiên, nếu so với năm 2020, Singapore, Việt Nam và Indonesia lại có mức tăng trưởng bứt phá và hiện đang đứng đầu trong năm 2021 về số phiên truy cập của ứng dụng fintech với tỷ lệ lần lượt là: Singapore (188%), Việt Nam (136%) và Indonesia (101%). Trong năm 2020, ba nước này đều có tỷ lệ số phiên truy cập từ hơn 10% đến dưới 40%.

Với thị trường game, game hypercasual là điểm sáng của năm 2020, khi tăng mạnh tại tất cả quốc gia. Trong đó, Singapore tăng 108%, Nhật Bản tăng 99%, Indonesia là 84% và Thái Lan là 52%. Sang năm 2021, số phiên vẫn tăng tốt tại tất cả quốc gia, nổi bật nhất là tại Thái Lan (22%) và Singapore (21%).

Về game non-hypercasual, Nhật Bản (42%) và Indonesia (26%) là hai thị trường đứng đầu trong năm 2020. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2021, Singapore và Việt Nam đã vươn lên thành thị trường có số phiên truy cập game non-hypercasual bứt phá cao nhất. Singapore tăng mạnh với 151%, còn Việt Nam có tỷ lệ tăng 62%; trong khi các nước khác có mức rất thấp.

Năm 2020 không chỉ chứng kiến sự tăng trưởng về số lượt cài đặt và phiên truy cập, mà còn thời gian sử dụng ứng dụng và số phiên trung bình mỗi ngày. Tỷ lệ duy trì ứng dụng của khu vực APAC cũng luôn được giữ ở mức ổn định. Điều đó cho thấy các ứng dụng đã nỗ lực trong việc giữ chân người dùng có được trong thời điểm phong tỏa.

Theo các chuyên gia, số lượt cài đặt và số phiên truy cập là 2 chỉ số quan trọng nói lên mức độ phổ biến của một loại ứng dụng, đặc biệt trong thời đại người dân sử dụng thiết bị di động ngày một nhiều.

Nếu sử dụng các điểm dữ liệu chuyên sâu, các doanh nghiệp có thể biết được mong đợi của người dùng đối với ứng dụng và biện pháp cải thiện trải nghiệm in-app để phục vụ tốt hơn nhu cầu của họ. Với những người làm marketing có thể "vẽ" đúng hơn hành trình của người dùng, từ đó kiểm thử và tối ưu hóa chiến dịch để cải thiện kết quả kinh doanh…