Cải thiện môi trường kinh doanh: Lo ngại từ hai chỉ số “cực kỳ quan trọng”
Nếu không tập trung cải thiện hai chỉ số này để vượt được ngưỡng cần có thì mức độ thị trường của nền kinh tế sẽ không thể lên được
Nếu không tập trung cải thiện hai chỉ số này để vượt được ngưỡng cần có thì mức độ thị trường của nền kinh tế sẽ không thể lên được.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Nguyễn Đình Cung đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được CIEM tổ chức sáng 22/1.
Theo nhận định của Viện trưởng CIEM thì 5 năm qua nghị quyết 19 (nay là nghị quyết 02) đã đã đi vào cuộc sống, đã có thương hiệu và được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung đặc biệt lo ngại khi hai chỉ số mà theo ông là cực kỳ quan trọng nhưng đang được xếp hạng rất thấp, trong 5 năm vừa rồi về căn bản không có thay đổi gì. Đó là chỉ số phá sản doanh nghiệp đã giảm 29 bậc sau 5 năm và chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 15 bậc.
Nếu không tập trung cải thiện hai chỉ số này để vượt được ngưỡng cần có thì mức độ thị trường của nền kinh tế sẽ không thể lên được, ông Cung nhấn mạnh.
Viện trưởng CIEM phân tích, nếu doanh nghiệp phá sản nhanh chóng được xử lý thì sẽ chuyển cơ hội kinh doanh cho người khác. Tranh chấp hợp đồng được giải quyết nhanh chóng cũng sẽ giúp các bên tập trung làm việc khác, thế nhưng hiện nay hai chỉ số này thực sự không được chú ý đến.
Nhìn nhận về nguyên nhân, ông Cung nói: đáng tiếc là hiện nay hai chỉ số này phụ thuộc vào toà án mà toà án thì không có nhu cầu làm luật, chỉ Chính phủ mới có nhu cầu làm luật để quản lý nên bao lâu nay hai chỉ số đó không có thay đổi gì cả.
"Chính phủ cũng đang bế tắc trong việc thúc đẩy toà án cải thiện hai chỉ số nói trên, tôi cũng kiến nghị Thủ tướng cần có động thái nhất định thúc đẩy toà án có những cải thiện thì được trả lời là hy vọng tại hội nghị của toàn hệ thống chính trị về đánh giá kinh tế xã hội có sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo. Qua hội nghị hy vọng Chánh án Toà án nhân dân tối cao nhận thức được vấn đề rồi về thay đổi. Nhưng tôi chưa tin lắm vì nhận thức là cả quá trình chứ không phải thời điểm", ông Cung nói.
Viện trưởng CIEM cũng cho biết là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký hai công văn gửi sang Toà án Nhân dân Tối cao để đề nghị hợp tác.
Một điều chắc chắn nếu không cải thiện được hai chỉ số này thì xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam không thể lên được ASEAN 4 như mục tiêu đặt ra, ông Cung nhấn mạnh.
Tham gia bình luận, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có chung nhận định là các chỉ số ông Cung nêu chậm được cải thiện và đây cũng là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp. Tình trạng đòi nợ thuê, tín dụng đen, theo ông Tuấn đang diễn biến rất đáng ngại cho môi trường kinh doanh.
Theo khảo sát của VCCI thì tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện ra toà khi có tranh chấp có xu hướng giảm, ông Tuấn cho biết thêm.
Mặc dù ngành toà án có chuyển biển như công khai bản án, công bố án lệ và ứng dụng công nghệ thông tin nhưng vấn đề là thực thi thế nào, ông Tuấn bình luận.