15:09 07/07/2015

Campuchia nhờ Liên hiệp quốc giúp về biên giới với Việt Nam

DIỆU MINH

Thủ tướng Campuchia muốn chấm dứt “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” xung quanh vấn đề biên giới với Việt Nam

Ông Hun Sen đề nghị ông Ban Ki-Moon cho mượn bản đồ gốc đang gửi tại Liên hiệp quốc để đối chiếu với việc phân định biên giới hiện nay - Ảnh: The Phnom Penh Post.<br>
Ông Hun Sen đề nghị ông Ban Ki-Moon cho mượn bản đồ gốc đang gửi tại Liên hiệp quốc để đối chiếu với việc phân định biên giới hiện nay - Ảnh: The Phnom Penh Post.<br>
Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa gửi thư tới Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, đề nghị được tiếp cận các bản đồ gốc của nước này nhằm chấm dứt “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” do phe đối đối lập thổi bùng lên trong thời gian gần đây, xung quanh vấn đề biên giới với Việt Nam.

Ông Hun Sen đưa ra đề nghị này với Liên hiệp quốc trong bối cảnh một nghị sĩ thuộc Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) mới đây lên kế hoạch thực hiện một cuộc tuần hành tại một khu vực biên giới với Việt Nam.

Đây cũng là nơi xảy ra cuộc đụng độ bạo lực giữa một nhóm người do CNRP dẫn đầu và người dân địa phương Việt Nam hôm 28/6 vừa qua.

Trong bức thư, ông Hun Sen đề nghị mượn các bản đồ gốc có tỷ lệ 1/1.000.000 được chính quyền thuộc địa Pháp vẽ từ những năm 1933-1955, và đến năm 1964 được cố Quốc vương Norodom Sihanouk gửi tại Liên hiệp quốc, theo báo The Phnom Penh Post. 

Ông Hun Sen cho biết, Chính phủ Campuchia muốn mượn bản đồ gốc để “làm rõ quá trình phân định biên giới”.

Thủ tướng Campuchia cũng viết rằng, ông muốn mượn bản đồ để “chấm dứt sự kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan” của một nhóm người ở nước này, điều ông cho rằng “có thể dẫn tới thảm hoạ”, ám chỉ hành động của CNRP gần đây.

Phe đối lập Campuchia từ lâu đã cáo buộc chính phủ nước này sử dụng các bản đồ do Việt Nam vẽ trong những năm 1980.

Tuần trước, ông Va Kim Hong, quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề biên giới của Campuchia, đưa ra một số bản đồ được sử dụng trong quá trình phân định biên giới hiện nay, và tuyên bố dù được xây dựng trong những năm gần đây, các bản đồ này đều phù hợp với các bản đồ mà Liên hiệp quốc đang nắm giữ.

Trước động thái của Thủ tướng Hun Sen, nghị sĩ thuộc CNRP Um Sam An yêu cầu Chính phủ Campuchia cùng kiểm tra các bản đồ và việc cắm mốc biên giới với phe đối lập, các nhà hoạt động và giới chuyên gia.

Người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Phay Siphan thì nhận định cuộc tuần hành mà CNRP dự kiến phát động có thể dẫn tới bạo lực, và Chính phủ Campuchia sẽ có biện pháp để ngăn chặn bạo lực.

“Chính phủ sẽ đàm phán để tránh việc cuộc tuần hành diễn ra dọc theo biên giới. Cuộc tuần hành này mang tính khiêu khích và cuối cùng sẽ dẫn tới bạo lực,” ông nói.

Trước đó, hôm 30/6 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng phê phán mạnh mẽ hành động bạo lực do một số phần tử quá khích người Campuchia gây ra vào ngày 28/6.

"Những hành động bạo lực này đã vi phạm pháp luật của cả hai nước, các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận giữa Việt Nam và Campuchia, ảnh hưởng đến tiến trình phân giới cắm mốc cũng như quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia", ông nói.

"Việt Nam rất coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị hợp tác toàn diện với Campuchia, mong muốn phát triển đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng của Campuchia có biện pháp xử lý thỏa đáng vụ việc, không để những hành động tương tự tái diễn, bảo đảm cho công tác phân giới cắm mốc được tiến hành thuận lợi vì lợi ích chung của nhân dân hai nước”.

Campuchia có đường biên giới chung dài 1.270 km với Việt Nam và hai nước hiện đã hoàn thành 80% quá trình phân định.