Cần đánh giá sâu hình thức phản ứng mới của dân
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc việc phản ứng của người dân với nhiều hình thức mới, tiềm ẩn sự bất ổn cho xã hội trong một số vụ việc gần đây
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo của Chính phủ cần chuẩn xác lại số liệu, đánh giá đúng, sát hơn tình hình và rõ địa chỉ, không thể nói “một số nơi, một số cơ quan”.
Tiếp tục phiên họp thứ 14, chiều 15/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ, Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2017, khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm, nhưng có đến hơn 4.700 đoàn đông người, tăng 13,5% so với cùng kỳ, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, gay gắt...
Các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp 342.630 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 11%); nhận 261.051 đơn thư các loại, trong đó có 27.529 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết (giảm 25,6%).
Đến nay, các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết được 21.851 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 79,4%.
Qua giải quyết khiếu nại tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 52,5 tỷ đồng, 32,7 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 1.631 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 413 người (đã xử lý 229 người), chuyển cơ quan điều tra 15 vụ, 9 đối tượng.
Bên cạnh kết quả, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra không ít hạn chế, trong đó có những hạn chế rất cũ.
Như, trách nhiệm Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp tại một số nơi chưa cao, chưa làm tròn trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đội ngũ cán bộ công chức làm nhiệm vụ này còn hạn chế cả về năng lực và ý thức trách nhiệm với công việc, nhất là kỹ năng trong tiếp công dân. Một số địa phương có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thực hiện chỉ đạo của cấp trên trong một số trường hợp còn chưa kịp thời.
Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc về kết quả và chất lượng của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là việc phân tích, đánh giá nguyên nhân tăng, giảm các số liệu trên cơ sở có so sánh với các năm trước nên tính thuyết phục chưa cao.
Ngoài ra báo cáo cũng chưa có đầy đủ số liệu kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu nơi có vi phạm các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, một số nguyên nhân và giải pháp còn chung chung chưa thể hiện rõ nội dung mới của năm 2017, kiến nghị còn ít và chưa cụ thể.
Theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ cần phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa về tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm qua, nhất là về tình trạng lợi dụng khiếu nại, tố cáo gây mất trật tự, an ninh tại trụ sở cơ quan nhà nước ở Trung ương; việc phản ứng của người dân với nhiều hình thức mới, tiềm ẩn sự bất ổn cho xã hội trong một số vụ việc gần đây. Như vụ việc bắt giữ người ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, việc sử dụng tiền lẻ trả phí đường bộ ở một số trạm thu phí gây ùn tắc giao thông đang lan rộng ở một số địa phương.
Nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo của Chính phủ cần có sự phân tích kỹ hơn về nguyên nhân số vụ việc khiếu nại, tố cáo giảm mạnh (giảm 25,6% vụ việc) nhưng số đoàn đông người tăng mạnh (13,5%). Bên cạnh đó việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương đạt tỷ lệ cao hơn năm trước (84,7% số vụ việc khiếu nại, 81% số vụ việc tố cáo) nhưng ở các bộ, ngành lại thấp hơn nhiều so với năm trước (51% số vụ việc khiếu nại, 30% số vụ việc tố cáo) và các nguyên nhân biến động về số liệu khác.
Gói lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tuy nhiên, còn một số vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện, bổ sung để bảo đảm độ chính xác, tính hợp lý hơn giữa số liệu và nhận định, đánh giá.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ “chuẩn xác lại số liệu, đánh giá đúng, sát hơn tình hình và rõ địa chỉ, không thể nói “một số nơi, một số cơ quan”...”. Những vụ việc tồn đọng cũng cần đánh giá rõ nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan, cá nhân nào.