11:47 08/06/2021

Cần làm gì để nhập khẩu vaccine?

Tú Uyên

Việc tìm nguồn nhập vaccine, sẵn sàng trả chi phí cho việc nhập và sản xuất vaccine được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm, nhất là sau thông điệp tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ...

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công đang có kế hoạch nhập khoảng một triệu liều vaccine thông qua một trong số 36 công ty được cấp phép nhập khẩu.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công đang có kế hoạch nhập khoảng một triệu liều vaccine thông qua một trong số 36 công ty được cấp phép nhập khẩu.

Sau thông điệp của Chính phủ là tháo gỡ mọi vướng mắc để đưa vaccine về Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp đã tìm nguồn nhập vaccine và sẵn sàng trả chi phí cho việc nhập và sản xuất vaccine. 

VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công kiêm Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư DHA về chủ đề này.

Mới đây, Chính phủ đã “tháo khoán” cho 36 doanh nghiệp Việt Nam được phép nhập khẩu vaccine. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ tạo điều kiện, rút ngắn việc xem xét hồ sơ khi các doanh nghiệp, hiệp hội tìm được nguồn vaccine ngừa Covid-19. Vậy nếu các hiệp hội hay doanh nghiệp có nguồn nhập thì cần phải làm các thủ tục gì, thưa ông?

Hiện nay, vaccine Covid-19 được một số quốc gia sản xuất như Anh (AstraZeneca), Nga (Sputnick V), Mỹ (Pfizer), Ấn Độ (Sputnick), Trung Quốc (Sinovac) cung cấp theo hai hình thức: cấp quốc gia và cấp doanh nghiệp. Chúng ta thấy 36 doanh nghiệp Việt Nam trong danh sách là những doanh nghiệp được Bộ Y tế chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu, kinh doanh vaccine Covid-19 đã được WHO công nhận và Bộ Y tế kiểm duyệt.

Ví dụ, Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện bán vaccine cấp quốc gia bằng cách yêu cầu 36 doanh nghiệp đó nộp đơn đăng ký mua và giấy miễn trừ trách nhiệm có sự đảm bảo của Bộ Y tế Việt Nam. Dù các chính phủ có đàm phán thì sau đó vẫn cần có các công ty được Chính phủ bảo lãnh để xuất khẩu và nhập khẩu.

Giả sử, nếu doanh nghiệp được cho phép nhập khẩu vaccine thì cũng có nhiều lo ngại về điều kiện để nhập khẩu (phải thông qua 36 đơn vị được cấp phép, thông qua Bộ Y tế hoặc đóng góp vào Quỹ vaccine), thời gian nhập khẩu bị lâu trong khi thời hạn vaccine chỉ có 6 tháng, vấn đề bảo quản, tiêm phòng... Ông có đề xuất giải pháp nào để gỡ vướng vấn đề này không?

Vaccine đang là mặt hàng hiếm trên thế giới, khi tiếp cận được nguồn thì phải quyết định mua rất nhanh. Nếu không tự tin đặt cọc, lô đó sẽ bị bán mất. Mà chúng tôi chưa thể tự tin đặt cọc vì còn quá nhiều vướng mắc để nhập khẩu.

Thêm vào đó, chúng ta phải có đủ vaccine tiêm phòng cho khoảng 70-80% người dân để đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây là giải pháp căn cơ để phục hồi kinh tế.

Vừa qua, Thủ tướng chính phủ và Bộ Y tế đã có chủ trương mở các cơ hội nhập vaccine về Việt Nam là một quyết định đúng đắn và sáng suốt.

Những lo lắng về thời hạn thủ tục có thể ảnh hưởng đến thời gian sử dụng vaccine cũng như quy trình hướng dẫn cách thức nhập khẩu, bảo quản và tiêm phòng dưới sự giám sát của Bộ Y tế cũng đã được tôi tham mưu cho Chính phủ.

Tôi nghĩ rằng, bản thân 36 doanh nghiệp đã được cấp phép nhập khẩu vaccine cũng có những lo ngại như vậy và tôi tin rằng chắc chắn Chính phủ sẽ có giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong thời gian sớm nhất.

Kế hoạch của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nói chung và Tập đoàn TTC, Tập đoàn DHA nói riêng về việc nhập vaccine cho các thành viên hiệp hội cũng như cho cán bộ nhân viên của tập đoàn như thế nào, thưa ông?

Ưu tiên sức khỏe cán bộ, nhân viên luôn là mối quan tâm lớn nhất đối với cộng đồng doanh nhân thuộc Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, trong đó có Tập đoàn TTC và DHA.

Hiện nay, thông qua mạng lưới các mối quan hệ của hội viên với cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang ráo riết làm việc với các đầu mối để nhập khẩu vaccine Covid-19 về Việt Nam.

Theo kế hoạch, chúng tôi đang làm việc với một số đối tác để thông qua một trong số 36 công ty đã được cấp phép để có thể nhập về khoảng một triệu liều vaccine.

 
Ngoài việc mua vaccine, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng như tập đoàn TTC đã kêu gọi, vận động cho rất nhiều các chương trình để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trong cả nước. Qua đó, đã đóng góp rất nhiều bộ kít xét nghiệm cho các tỉnh thành, đóng góp ATM gạo, đóng góp tài chính hỗ trợ mua vaccine và kêu gọi các hội viên có cơ sở vật chất hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vẫn đang tiếp tục thực hiện công tác này với mong muốn đóng góp thêm nhiều cho Quỹ vaccine cũng như hỗ trợ công tác phòng chống dịch của cả nước.