15:11 17/04/2025

Cần làm rõ tính vượt trội trong dự thảo về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 năm tuổi

Như Nguyệt

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các cơ quan phối hợp làm rõ: Đến năm 2030 có đạt được mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi hay không; tính vượt trội của các chính sách trong dự thảo Nghị quyết khi đặt trong tổng thể các chính sách chung về giáo dục hiện có...

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Ngày 17/4/2025, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết có bố cục gồm 6 điều, quy định về thực hiện phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; cơ chế, chính sách để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Dự thảo Nghị quyết tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách gồm: ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non; chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định việc ban hành Nghị quyết trong bối cảnh hiện nay là rất cấp thiết và phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15.

Các chính sách đề xuất tại Dự thảo Nghị quyết không trái, không chồng chéo, không mâu thuẫn với các Luật hiện hành.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu rõ dự thảo Nghị quyết không làm phát sinh thủ tục và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; không có quy định ảnh hưởng đến việc bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh.

Các nội dung được đề xuất tại dự thảo Nghị quyết đều phù hợp, không trái, mà có tác dụng tích cực vượt trội so với các yêu cầu tại Công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia.

Việc xây dựng Nghị quyết sẽ tạo hành lang pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư đảm bảo các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo; đảm bảo trẻ em mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp 1, góp phần vào thực hiện quyền của trẻ em.

Cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ đối tượng áp dụng là “tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp” và chính sách liên quan, bảo đảm phù hợp với việc sắp xếp các tổ chức này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ các chính sách của Nghị quyết cần tập trung hướng tới mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách lớn: Bảo đảm đủ hệ thống trường, lớp học cho tất cả trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; bố trí đủ giáo viên; đầu tư đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu; bố trí đủ kinh phí vận hành hoạt động thường xuyên của cơ sở giáo dục mầm non khi thực hiện phổ cập.

Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc quy định chính sách chung cho đối tượng trẻ em 3 đến 5 tuổi, không phải đề xuất chính sách riêng biệt cho từng đối tượng cụ thể.

Qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; cho rằng việc ban hành Nghị quyết sẽ thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tạo điều kiện cho trẻ em 3 đến 5 tuổi được đến trường, nhằm phát triển toàn diện, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp 1.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các cơ quan phối hợp làm rõ đến năm 2030 có đạt được mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi hay không; tính vượt trội của các chính sách trong dự thảo Nghị quyết khi đặt trong tổng thể các chính sách chung về giáo dục hiện có; tính khả thi về nguồn lực con người và kinh phí, lộ trình thực hiện dự thảo Nghị quyết trong bối cảnh thực hiện các chủ trương, chính sách chung về giáo dục trong thời gian tới.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tính toán, rà soát kỹ lưỡng các chính sách của dự thảo Nghị quyết để tránh chồng lấn với các chính sách về giáo dục hiện hành; trên cơ sở các góp ý sơ bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Văn hóa và Xã hội chịu trách nhiệm thẩm tra chính thức dự thảo Nghị quyết này.