16:35 02/02/2024

Cần thay đổi mạnh mẽ mô hình hợp tác xã để đáp ứng tình hình mới

Song Hoàng

Chính Phủ mong muốn có thêm các giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển mới...

Thủ tướng tham quan triển lãm ảnh trước khi dự Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 - Ảnh: VGP
Thủ tướng tham quan triển lãm ảnh trước khi dự Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 - Ảnh: VGP

Sáng 02/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-/NQ/TW ngày 16/6/2022-Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới".

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Mở đầu Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hướng tới mục tiêu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm thành lập nước, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam huy động mọi nguồn lực trong xã hội phục vụ phát triển nhanh, bền vững, dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phù hợp tình hình Việt Nam và xu thế thế giới. Trong đó, kinh tế hợp tác, hợp tác xã được xác định là thành phần quan trọng.

Quá trình hình thành và phát triển hợp tác xã trên thế giới đã trải qua hơn 200 năm. Tại Việt Nam, kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã cũng đã hình thành và phát triển gần 70 năm và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khu vực kinh tế tập thể là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân… Phải nhận thức rõ: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị... là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên".

Theo Thủ tướng, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động lấy lợi ích kinh tế là chính; đồng thời coi trọng lợi ích về chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn. Trong đó, đề cao lợi ích của thành viên, sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể; thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương luôn quan tâm và ban hành, triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đến nay, khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Các hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ; hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tính liên kết giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp. Một số thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn mang tính hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Hiệu quả hoạt động hợp tác xã chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp; trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế. Phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh không cao. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến.

Nghị quyết số 20-NQ/TW chỉ rõ: "Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực hoặc không khả thi".

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong đó phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian tới…

Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn các đại biểu hiến kế các giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia kinh tế tập thể, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư… để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển mới.

Thủ tướng cũng mong muốn các đại biểu góp ý, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã một cách thiết thực, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm và đặc biệt phải phù hợp với cơ chế thị trường, tạo động lực để khu vực này bắt kịp, tiến cùng và vươn lên so với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến năm 2023, cả nước có hơn 31.700 hợp tác xã, 158 liên hiệp hợp tác xã và 73.000 tổ hợp tác. Năm 2022, doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm…

Trong 20 năm qua, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong đó có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ về đầu tư phát triển hạ tầng; chính sách giao đất, cho thuê đất; chính sách về tín dụng; hỗ trợ chế biến sản phẩn…

Trong đó, từ năm 2013-2021 có hơn 362.000 lượt cán bộ, thành viên hợp tác xã được đào tạo, bồi dưỡng; có hơn 2.600 hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ xúc tiến thương mại với số tiền khoảng 255 tỷ đồng; giai đoạn 2013-2020, cả nước đã hỗ trợ hơn 5.800 hợp tác xã ứng dụng, chuyển giao công nghệ với tổng kinh phí khoảng 268 tỷ đồng; doanh số cho vay đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong giai đoạn 2013-2021 đạt khoảng 50.800 tỷ đồng…

Hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và chất lượng, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động.

Tổ hợp tác với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu liên kết linh hoạt và mang tính ngắn hạn của người dân. Liên kết giữa các hợp tác xã với nhau, với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển.

Khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Với những văn bản, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự hợp tác đầu tư của cộng đồng hợp tác xã, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển bền vững và hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW.