09:04 16/04/2025

Cần ưu tiên chính sách về phát triển nhân lực trong Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo 

Bạch Dương

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật cần chú trọng tới ưu tiên chính sách về phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh tự chủ và chấp nhận rủi ro nhằm tạo động lực cho các cơ sở nghiên cứu và nhà khoa học…

Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ được trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến khai mạc vào đầu tháng 5/2025).
Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ được trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến khai mạc vào đầu tháng 5/2025).

Thực hiện Phiên họp thứ 44, ngày 15/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

CHẤP NHẬN RỦI RO TRONG NGHIÊN CỨU KHÔNG CÓ NGHĨA BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ 

Trình bày về mục đích ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự luật hướng tới việc trao quyền tự chủ tối đa cho các tổ chức nghiên cứu, bao gồm tự chủ xây dựng bộ máy và chi tiêu theo cơ chế khoán chi. 

Nhà nước sẽ tập trung quản lý mục tiêu, đầu ra, kết quả và hiệu quả nghiên cứu, thay vì can thiệp vào cách thức thực hiện. Đặc biệt, dự luật đề xuất miễn trừ trách nhiệm dân sự cho các tổ chức nghiên cứu nếu dự án không đạt kết quả như kỳ vọng, nhằm khuyến khích sự dấn thân và đổi mới.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trình bày dự thảo luật - Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ. 
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trình bày dự thảo luật - Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Theo Bộ trưởng, việc chấp nhận rủi ro không đồng nghĩa với buông lỏng quản lý, mà là tạo điều kiện để các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, mang tính đột phá. Các tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí, trong khi những đơn vị kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực.

Bên cạnh đó, dự luật cũng đề xuất cơ chế tự chủ về sở hữu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, cho phép các cơ sở nghiên cứu được toàn quyền quyết định. Nhà khoa học được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận từ thương mại hóa và được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp.

Bộ trưởng cho rằng trao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu cho tổ chức chủ trì sẽ tháo gỡ nút thắt thương mại hóa, mang lại lợi ích kép là nguồn thu thuế cho Nhà nước và việc làm cho người dân.

Để thu hút nhân lực chất lượng cao, dự luật bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, thưởng cho nghiên cứu cơ bản, chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, và tạo điều kiện thuận lợi về lương, giấy phép lao động, thị thực cho chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học trọng điểm tại Việt Nam.

MỌI SẢN PHẨM NGHIÊN CỨU PHẢI ĐƯỢC ĐƯA VÀO ỨNG DỤNG TRONG CUỘC SỐNG 

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Lê Quang Huy, khẳng định Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo với các lý do đã nêu trong Tờ trình số 163/TTr-CP của Chính phủ.

Về quan điểm xây dựng Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục: (i) Bám sát và thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW; thực hiện đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; (ii) Thể chế hóa chủ trương của Đảng về vai trò của doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế tư nhân là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo; (iii) Cần thể hiện rõ ràng "chủ thuyết" phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong dự thảo Luật bởi đây được coi là đạo luật gốc trong lĩnh vực này; (iv) Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính khả thi của Luật để đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ. 
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo không chỉ để quản lý mà để kiến tạo một không gian phát triển khoa học công nghệ cho xã hội, chứ không chỉ để dành riêng cho các tổ chức nghiên cứu khoa học. Mọi sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ phải đi tới thị trường, được ứng dụng, phục vụ trong cuộc sống để tránh bị lãng phí nguồn lực.

Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu các ý kiến đóng góp tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan chủ trì nhanh chóng hoàn thiện dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo một cách đầy đủ hơn để trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 tới.