15:15 22/07/2019

Cảnh giác với dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng

An Nhiên

Hiện nay đang là cao điểm sốt xuất huyết hàng năm, nguy cơ số mắc bệnh tăng cao trong thời gian tới nếu không chủ động phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Theo thống kê mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 178 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 77 xã, phường của 23 quận, huyện. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố có gần 1.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue và không có trường hợp nào tử vong.Trong khi đó, tại 34 tỉnh, thành phố của các khu vực như miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, trong 5 tuần gần đây, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh,  đã có 6 trường hợp tử vong.
Cảnh giác với dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng - Ảnh 1.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnhSốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người mà thông qua muỗi truyền. Theo thống kê mới của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận 87.806 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 6 trường hợp tử vong tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh. So với cùng kỳ năm 2018 số ca mắc bệnh tăng 3,1 lần (năm 2018 số mắc cùng kỳ là hơn 28.000 trường hợp, tử vong là 8 trường hợp).Đặc biệt, trong 5 tuần gần đây số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh tại 34 tỉnh, thành phố của các khu vực như miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Đó là các tỉnh như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới diễn biến phức tạp, đang gia tăng nhanh tại nhiều quốc gia trong khu vực. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắcxin phòng bệnh.Tại Việt Nam, thời tiết duy trì ở mức 26 đến 37 độ C, dự báo có nhiều ngày mưa trong tuần. Đây là điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue và thực tế kết quả giám sát véc-tơ các tuần gần đây đều có xu hướng tăng cao. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, việc diệt muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt quan trọng hơn so với việc cách ly người bệnh.
Cảnh giác với dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng - Ảnh 2.
Chủ động phòng tránh Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết có thể gây biến chứng nguy hiểm như tình trạng thoát mạch, gây truỵ mạch và sốc, hai là biến chứng giảm tiểu cầu gây chảy máu. Diễn biến tự nhiên của bệnh sốt xuất huyết trong ba ngày đầu tiên thường sốt cao nhưng ít có biến chứng, từ cuối ngày thứ ba trở đi, sốt có thể hạ nhưng lại có nguy cơ xảy ra những biến chứng kể trên.Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới, ngành y tế khuyến cáo, mọi người cần:  Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy, loại bỏ các vật liệu phế thải; Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; Ngoài ra cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.Các bác sĩ  lưu ý, người bệnh khi thấy sốt, cần đi xét nghiệm để xem có phải mắc bệnh sốt xuất huyết hay không để có các tình huống lưu ý. Bởi đối với những bệnh nhân không có người chăm sóc bên cạnh, người sống đơn thân, trẻ em, bệnh nhân không nên chủ quan khi thấy sốt đã giảm và có những biểu hiện mệt lả, đau bụng, buồn nôn, tiểu ít hoặc chảy máu bất thường, thì cần đến bệnh viện ngay để xác định tình trạng biến chứng và có xử lý kịp thời, tránh tình trạng sốc hoặc chảy máu nặng mà không được phát hiện và xử trí kịp thời.