“Cánh tay nối dài” đẩy lùi tín dụng đen
Tín dụng đen gia tăng đang gây ra những hệ lụy rất lớn tới đời sống của người dân.
"Làm thế nào để ngân hàng giải quyết thủ tục nhanh nhất, đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân kịp thời nhất nhưng vẫn đảm bảo được an toàn vốn cho các ngân hàng" là yêu cầu được ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đặt ra tại cuộc họp bàn về giải pháp đẩy lùi tín dụng đen ngày 9/4.
Theo ông Tú, tín dụng đen gia tăng đang gây ra những hệ lụy rất lớn tới đời sống của người dân. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phù hợp với thực tiễn; ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP, sau đó là Nghị định 55/2015/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định 116/2018/NĐ-CP nhằm sửa đổi Nghị định 55 về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều cơ chế ưu đãi đột phá, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Nhưng theo ông Tú, một mình ngân hàng sẽ không thể làm tốt mà phải có sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội. Ngân hàng không thể có chi nhánh tới tận thôn, xã để có thể nắm bắt chính xác thông tin người vay vốn có đúng ở xã đó, thôn đó không; có sử dụng vốn đúng mục đích không hay lại dùng cho cờ bạc, lô đề… Sự vào cuộc của các cơ quan địa phương và đoàn thể sẽ là "cánh tay nối dài" hỗ trợ cho các ngân hàng.
Bởi theo ông "làm thế nào để ngân hàng giải quyết thủ tục nhanh nhất, đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân kịp thời nhất nhưng vẫn đảm bảo được an toàn vốn cho các ngân hàng" là mục tiêu hàng đầu trong đẩy lùi tín dụng đen thông qua mở rộng kênh tín dụng chính thức.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước chủ trì cuộc họp.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến 27/3/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7,39 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 1,82 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giúp người dân từng bước xoá đói giảm nghèo.
Đến nay, Agribank đã cho vay thông qua 68.871 tổ vay vốn với tổng dư nợ đạt 122.203 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay thông qua 180.967 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ đạt 193.314 tỷ đồng, trong đó qua Hội Nông dân là 56.958 tổ với dư nợ là 60.362 tỷ đồng, Hội Phụ nữ là 67.944 tổ với dư nợ là 75.675 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh là 31.292 tổ với dư nợ là 31.466 tỷ đồng và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là 24.773 tổ với dư nợ là 25.811 tỷ đồng.
Việc tổ chức tín dụng thực hiện cho vay thông qua các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm - vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội quản lý đã giúp tiết kiệm chi phí của các tổ chức tín dụng trong quản lý vốn vay, tạo điều kiện để khách hàng được giảm lãi vay, hỗ trợ tổ chức tín dụng trong công tác thẩm định, đánh giá khách hàng cũng như trong việc đôn đốc, thu hồi nợ vay, đặc biệt là tại những địa bàn dân cư phân bố không tập trung, điều kiện giao thông khó khăn, phương tiên liên lạc còn hạn chế.
Đồng thời tạo điều kiện cho người dân được vay không có tài sản bảo đảm để sản xuất kinh doanh, tiêu dùng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.