Cấp khống giấy nghỉ việc để trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội
Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã phát hiện tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế dưới hình thức cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội giả, hoặc cấp khống, cấp không đúng quy định để thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội…
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay cơ quan này được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Do chỉ có chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, không có chức năng thanh tra hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để có giải pháp phát hiện, ngăn chặn từ sớm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Từ đó, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người tham gia và thụ hưởng chính sách.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, nhiều hành vi vi phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Gần đây, cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ quan chức năng có liên quan đã phát hiện, xử lý một số vụ việc vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở một số địa phương.
Cụ thể, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế dưới hình thức cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội giả, hoặc cấp khống (thực tế không đi khám chữa bệnh để được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội), cấp không đúng quy định để thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội.
Trong đó, người lao động thì trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội bằng việc dùng giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, để đề nghị thanh toán hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trục lợi quỹ bảo hiểm y tế bằng việc quyết toán công khám, tiền thuốc, dịch vụ kỹ thuật... từ thẻ bảo hiểm y tế của người mua giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Một số vụ việc điển hình như tại các Phòng khám đa khoa tư nhân ở Đồng Nai (đã khởi tố); tại Trạm Y tế phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam (Công an tỉnh Hà Nam đang xác minh)...
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra theo phương pháp truyền thống, kết hợp với “xử lý dữ liệu điện tử” bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, phân tích xử lý dữ liệu từ các phần mềm nghiệp vụ của ngành, và cơ sở dữ liệu từ các cơ quan hữu quan.
Từ việc cảnh báo, sàng lọc cơ sở dữ liệu, các đơn vị có dấu hiệu vi phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là hành vi vi phạm về chậm đóng bảo hiểm, đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội kịp thời phát hiện, lập danh sách để tiếp tục rà soát, đôn đốc, và tổ chức triển khai các đoàn thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất tại đơn vị.
Trong năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 18.707 đơn vị. Tổng số tiền qua thanh tra, kiểm tra các đơn vị chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là hơn 1.500 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng ngay sau khi thanh tra, kiểm tra là 909,8 tỷ đồng.
Phát hiện 44.859 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng, với số tiền truy thu 132,6 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tổng số tiền 139,5 tỷ đồng, do hưởng chế độ không đúng quy định (bằng 186% so với năm 2022).
Nhờ các giải pháp đồng bộ, tính đến hết năm 2023, số tiền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022.
Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có tính lãi ghi nhận ở mức thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây, giảm từ 6% (năm 2016) xuống còn 2,69% số phải thu.