09:49 26/12/2007

Caribê tăng cường an ninh năng lượng

Trung Việt

Các nước tham gia Hiệp định Dầu mỏ khu vực Caribê sẽ xây thêm và mở rộng 18 nhà máy lọc dầu với tổng vốn đầu tư 22 tỷ USD

Khai thác dầu ở vùng Caribê.
Khai thác dầu ở vùng Caribê.
Các nước tham gia Hiệp định Dầu mỏ khu vực Caribê (Petrocaribe) vừa kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 với việc khánh thành nhà máy lọc dầu lớn nhất khu vực, tại Cuba. Petrocaribe sẽ xây thêm và mở rộng 18 nhà máy lọc dầu với tổng vốn đầu tư 22 tỷ USD.

Tại cuộc họp, nguyên thủ các nước thành viên đã cùng nhau điểm lại việc thực hiện các hiệp định hợp tác năng lượng đã ký trong hai năm qua kể từ khi Tổ chức Petrocaribe được thành lập (29/6/05) tại Venezuela, khẳng định tầm quan trọng của tổ chức này với quyết tâm xây dựng Petrocaribe vững mạnh.

Các nước được lợi nhờ gia nhập Petrocaribe

Theo Hiệp định dầu mỏ tại vùng Caribê được ký năm 2005, 15 thành viên tham gia hiệp định này có thể hạn chế tác động của giá dầu cao thông qua việc trả chậm tới 40% tổng số tiền mua dầu của Venezuela trong 25 năm với mức lãi suất rất thấp là 1%. Hiện tại, mỗi ngày Venezuela bán khoảng 53.000 thùng dầu thô và dầu tinh chế cho các nước Cộng hoà Dominica, Jamaica, Nicaragoa, Belise và các quốc đảo ở phía Đông Caribê. Tuy nhiên, sản lượng này có thể được tăng lên gấp đôi sau khi Venezuela xây dựng xong các cơ sở dự trữ dầu lửa.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Cuba Raul Castro khẳng định, tầm quan trọng của Petrocaribe, coi đây là bước đi có tính quyết định trên con đường tiếp tục phát triển các nỗ lực liên kết và hợp tác trong khu vực. Tổng thống Venezuela, H.Chavez-người có sáng kiến thành lập Petrocaribe, đã nêu bật các mục tiêu của hội nghị, trong đó có việc nhà máy lọc dầu Camilo Cienfuegos đi vào hoạt động chiều 21/12 và trở thành một trung tâm chế biến, cung cấp dầu cho các nước Caribê.

Tổng thống Chavez nhấn mạnh: "Một khu vực địa chính trị mới về dầu lửa đang hình thành không chỉ nhằm mục đích đem lại khoản lợi nhuận lớn mà còn giúp mang lại lợi ích cho các nước vùng Caribê”. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến các dự án phát triển nguồn năng lượng gió, mặt trời tại các nước trong khu vực và đề nghị thành lập một quỹ tài trợ cho các dự án này.

Nhân Hội nghị thượng đỉnh của Petrocaribe, tại thành phố Cienfuegos, nguyên thủ các nước thành viên đã chính thức khai trương nhà máy lọc dầu Camilo Cienfuegos, liên doanh giữa Cuba và Venezuela với tổng chi phí lên tới 166 triệu USD, công suất 65.000 thùng/ngày trong giai đoạn đầu, đảm bảo an ninh năng lượng cho các nước Mỹ Latinh và vùng Caribê.

Kỷ nguyên mới cho ngành hoá dầu Cuba

Trong bài phát biểu, Phó Chủ tịch Cuba Raul Castro nhấn mạnh nhà máy lọc dầu vừa được hiện đại hóa này "đã mở ra một thời kỳ mới cho ngành công nghiệp hóa dầu của Cuba", là "hình mẫu" của việc hợp tác liên doanh giữa Cuba và Venezuela và tới đây sẽ được nhân rộng trong toàn khu vực Mỹ Latinh và Caribê.

Tổng thống Venezuela Chavez khẳng định, một trong ba dự án ban đầu của Tổ chức Petrocaribe, sẽ tạo đà vững chắc cho việc việc xây dựng thêm 10 nhà máy lọc dầu mới và mở rộng thêm 8 nhà máy sẵn có trong khu vực với tổng vốn đầu tư lên tới 22 tỷ USD trong 10 năm tới.

Với tổng chi phí cho giai đoạn đầu 166 triệu USD, nhà máy lọc dầu do Liên Xô trước đây xây dựng và ngừng hoạt động từ 1995 này đã được cải tạo và hiện đại hóa để chế tạo xăng, dầu hỏa, diesel, dầu nhiên liệu, khí hóa lỏng và các chế phẩm xăng dầu khác nhằm cung cấp cho Cuba cùng các nước Trung Mỹ và vùng Caribê. Cùng với nhà máy này là hệ thống bể chứa có dung tích trên 4,2 triệu thùng; trong đó có 2,2 triệu thùng dầu thô, 1,8 triệu thùng chế phẩm và còn lại là bán thành phẩm.

Để đảm bảo cho nhà máy hoạt động hết công suất, ngoài phần dầu thô khai thác tại Cuba, Venezuela sẽ cung cấp lượng dầu thô còn lại. Theo dự tính, xung quanh nhà máy lọc dầu này sẽ xây dựng thêm một hệ thống nhà máy phụ cận chế biến các sản phẩm hóa dầu nhằm hình thành một tổ hợp công nghiệp hóa dầu lớn và hiện đại nhất khu vực Caribê.

Hiện Cuba tiêu thụ hàng ngày 180.000 thùng dầu và sản xuất được 80.000 thùng dầu có nhiều chất lưu huỳnh, cung cấp chủ yếu cho việc phát điện. Năm 2007, Cuba đã tăng cường các hoạt động thăm dò dầu khí với sự hợp tác của một số công ty nước ngoài trên diện tích hơn 30.000 km vuông ở vùng biển đặc quyền của Cuba trong Vịnh Mexico, nhằm mục tiêu nâng sản lượng dầu khai thác lên 2,2 triệu tấn- con số cao nhất từ trước đến nay.