15:22 23/10/2020

Câu chuyện doanh nghiệp: Hàng không gặp đại hạn, cửa sáng nào cho Vietravel Airlines?

KIỀU LINH

Covid 19 đẩy ngành hàng không vào cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, trong khi đó, ngành du lịch chứng kiến sự sụt giảm chưa từng có. Bay ở thời điểm này, Vietravel Airlines có đang quá mạo hiểm?

Hàng không đại hạn, Vietravel Airlines gãy cánh?
Hàng không đại hạn, Vietravel Airlines gãy cánh?

Trong bối cảnh hàng loạt các hãng hàng không quốc tế phá sản, hàng không trong nước gặp nhiều khó khăn vì Covid 19, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Airlines, cho biết doanh nghiệp này vừa nhận được giấy phép phê duyệt và dự kiến ngày 18/12 tới đây, Vietravel Airlines sẽ có chuyến bay đầu tiên.

Thị trường có thêm một hãng hàng không mới, tất nhiên người vui mừng đầu tiên phải kể đến là khách hàng, có thêm một sự lựa chọn, giá cả tốt hơn. Nhưng đối với cổ đông, nhà đầu tư của Vietravel, đây lại là một câu chuyện khác. 

       ĐẠI HẠN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Không quá khi nói 2020 là một năm đại hạn của ngành hàng không. Vietravel Airlines định cất cánh bay trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu suy thoái do tác động của dịch Covid 19 gây nên. 

Theo Công ty dữ liệu hàng không Cirium, đã có 43 hãng hàng không thương mại ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm dừng từ tháng 1 năm nay. Sẽ có thêm nhiều hãng hàng không gặp vấn đề vào cuối năm nay khi mà phần lớn doanh thu được tạo ra mùa hè, quý 2 và 3. “Chúng tôi dự báo sẽ có thêm nhiều hãng hàng không tạm ngưng hoặc phá sản vào quý 4/2020 và quý 1/2021”, ông Morris, Trưởng bộ phận tư vấn tại Cirium, nói. 

Rõ ràng, đại dịch Covid 19 đã tác động đến các hãng hàng không lớn khiến họ sụp đổ. 

Tại Việt Nam, Covid 19 cũng giáng một đòn với các hãng hàng không. Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), tổng số chuyến bay khai thác 9 tháng năm 2020 của 5 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacifics, Vasco, Bamboo Airway đạt 159.808 chuyến, giảm mạnh gần 40% so với cùng kỳ năm 2019. 

Sự tàn khốc của Covid 19 đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của các “anh cả” trong ngành hàng không. Vietnam Airlines cho biết, tổng doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm nay ước đạt 23.948 tỷ, mức lỗ hợp nhất 10.750 tỷ đồng, đạt mức lỗ kế hoạch đặt ra cho năm 2020. Dự kiến, hết năm 2020, Vietnam Airlines sẽ lỗ 13.000 tỷ đồng. Jetstar Pacifics - một thành viên của Vietnam Airlines dự kiến số lỗ lên đến 5.000 tỷ đồng.  

Một tên tuổi lớn trong ngành hàng không, tiềm lực tài chính vốn dĩ mạnh mẽ như VietJet Air cũng bị tác động nặng nề vì Covid 19. Doanh thu vận tải hàng không nửa đầu năm 2020 giảm mạnh còn 9.194 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 20.182 tỷ đồng. Vận chuyển hàng không lỗ lên đến 1.440 tỷ đồng. 

Hay Bamboo Airway được hậu thuẫn bởi Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết cũng khó khăn không kém. Mặc dù không công bố chi tiết khoản lỗ của Bamboo Aiways, báo cáo của Tập đoàn FLC cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp này lỗ gần 3.000 tỷ đồng mà nguyên nhân do đại dịch Covid 19 cùng với chi phí nhân công, thuê tàu bay, nhiên liệu của hàng không tăng lên đến 40%. 

Câu chuyện doanh nghiệp: Hàng không đại hạn, Vietravel Airlines có gãy cánh? - Ảnh 1.

Tình hình khai thác chuyến bay của 5 hãng hàng không (Đơn vị: Nghìn chuyến)

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Airlines cho rằng, cơ hội mà hãng nhìn thấy trong thời điểm này chính là việc thuê, mua máy bay giá rẻ hơn rất nhiều. Trước dịch, giá thuê một tàu bay A321 từ 5 - 6 tuổi trở lại không dưới 550 nghìn USD/tháng song hiện tại, mức giá này chỉ dưới 400 nghìn USD. Về nhân sự, trước đây phi công A321 trả 220 triệu đồng/tháng, giờ chỉ còn 80 triệu. Tương tự, tiếp viên trước đây phải 30 - 40 triệu/tháng, giờ chỉ khoảng 10 - 12 triệu đồng.

Cơ hội hiện hữu như vậy nhưng cũng phải lưu ý rằng Vietravel Airlines có khả năng thu hồi vốn không khi mà nhu cầu đi lại, du lịch cũng ngày càng giảm sút? Đó là chưa kể, mức độ cạnh tranh sau dịch ngày càng gay gắt. Những ngày qua, hàng không Việt Nam đã chứng kiến những đợt khuyến mãi "chưa từng có trong lịch sử" khi các hãng đua nhau giảm giá kỷ lục để hút khách.

DU LỊCH KHÓ PHỤC HỒI

Định hướng thị trường khai thác của Vietravel Airlines là các đường bay du lịch kết nối địa phương - địa phương không qua 2 trung tâm Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Các đường bay này của Vietravel Airlines phát triển thị trường du lịch mới, nguồn hành khách hàng không mới, tận dụng hiệu quả việc kết nối du lịch là thế mạnh của Công ty mẹ Vietravel đồng thời tránh các thị trường truyền thống của các hãng hàng không hiện hữu.

Theo số liệu từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 9 tháng năm 2020 đạt 3,68 triệu lượt, giảm 67,4% so với cùng kỳ 2019. Khách du lịch nội địa đạt 37,5 triệu lượt, trong đó có 19,2 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 233.000 tỷ đồng, giảm 53,76% so với cùng kỳ năm 2019.

Việt Nam hiện có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa (chiếm khoảng 82,5% tổng lượt khách năm 2019) cũng như các nguồn khách từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngoài hai thị trường trên còn đóng băng do dịch Covid 19 vẫn hoành hành, thị trường nội địa vẫn khó phục hồi.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành hàng không, lo ngại ngành hàng không và ngành du lịch có thể sẽ không bao giờ phục hồi được như trước bởi các doanh nhân ở khắp nơi trên thế giới nhận ra rằng họ có thể vẫn chốt được hợp đồng thông qua ứng dụng hội họp trực tuyến từ công ty và thậm chí từ nhà. Du lịch nghỉ dưỡng được dự báo sẽ khôi phục khi vắc xin có hiệu quả đưa vào sử dụng tuy nhiên hành khách sẽ thận trọng hơn vì vẫn lo lây bệnh khác. Họ sẽ đánh giá mức độ an toàn trước khi quyết định du lịch trở lại.

Covid 19 còn gây hiệu ứng domino tác động đến từng nhóm nhỏ như việc làm, thu nhập của người dân, khách sạn, vận tải… cũng khiến cho du lịch nội địa khó khắc phục trong năm 2020. 

Theo ông Tống, với quy mô nhỏ trong 3 năm đầu thì Vietravel Airlines chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng ghế đường bay nội địa của tất cả các hãng hàng không Việt Nam nên hãng hàng không mới có tác động không đáng kể đến tình hình vận chuyển hàng không nội địa của Việt Nam. Vấn đề là liệu trong 3 năm đầu hoạt động, Vietravel Airlines có dần dần chiếm được thị phần cho mình không và có lãi không?

"Thực tế là Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways không chỉ khai thác các đường bay kết nối địa phương - địa phương mà còn có cả các đường bay kết nối Tân Sơn Nhất và Nội Bài với các địa phương, cho nên Vietravel Airlines rất khó cạnh tranh”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.

Về phía Vietravel Airlines, chính ông Kỳ cũng phải thừa nhận bị ảnh hưởng cả 3 mảng: inbound (đón khách quốc tế vào), outbound (tổ chức tour du lịch quốc tế) và nội địa. Tổng lượt khách giảm bình quân 70%, doanh thu chỉ còn tầm 20-22% so với cùng kỳ năm ngoái, mức suy giảm chưa từng có kể từ năm 1997.

 CÔNG TY MẸ CỦA VIETRAVEL AIRLINES KHOẺ ĐẾN ĐÂU?

Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) được Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 19/2/2019, vốn điều lệ 700 tỷ đồng, chủ sở hữu là Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel). 

Khi thành lập hãng hàng không, ông Kỳ cho biết, tham vọng của Vietravel là hoàn thiện hệ sinh thái, hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn đa ngành về du lịch như nhiều tập đoàn khác trên thế giới. 

Câu chuyện doanh nghiệp: Hàng không gặp đại hạn, cửa sáng nào cho Vietravel Airlines? - Ảnh 1PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Do tâm lý e ngại lây bệnh khi đi lại đường hàng không và khả năng hội họp trực tuyến mà không cần phải gặp mặt nhau nên nhu cầu hàng không giảm xuống đáng kể trong tương lai ngay cả sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc. Do đó dự báo nhu cầu hàng không trên thế giới cũng như của Việt Nam trong vài năm nữa mới trở lại mức năm 2019 trước khi có đại dịch COVID-19 và mức tăng trưởng cũng thấp hơn trước".

Để có đủ vốn cho Vietravel Airlines, tháng 9/2019, Vietravel đã phát hành trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng, với mức lãi suất 9,25%/năm trong 15 tháng đầu và 11%/năm kể từ sau đó. Trong tình cảnh Vietravel kinh doanh bết bát như hiện nay, áp lực trả lãi lớn, giới phân tích tài chính lo ngại liệu công ty con Vietravel Airlines có được "chu cấp" đủ khoẻ để cạnh tranh công bằng với các hãng đàn anh trên thị trường?

Báo cáo tài chính đến hết quý 2/2020, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietravel giảm mạnh, chỉ còn 972 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 là 3.579 tỷ đồng. Chi phí tài chính mà chủ yếu là lãi vay tăng mạnh từ 6,3 tỷ đồng lên đến 41 tỷ đồng, lỗ từ công ty liên kết, kinh doanh cũng tăng theo. Sau khi trừ đi các khoản thì Vietravel lỗ 73,6 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2019 lãi 29 tỷ đồng.

Tổng cộng nguồn vốn của Vietravel tính đến 30/6/2020 là 1.879 tỷ đồng, giảm 14% so với số đầu năm, trong đó, chủ yếu là nợ phải trả 1.717 tỷ đồng, gấp gần 11 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ phải trả, vay nợ thuê tài chính chiếm một nửa, ghi nhận 989 tỷ đồng. 

Vietravel còn đang đối diện với bài toán âm dòng tiền kinh doanh, luỹ kế từ đầu năm đến nay, Vietravel ghi nhận âm 27,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dòng tiền kinh doanh 61,7 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm 8 tỷ đồng. Dòng tiền duy nhất của Vietravel lúc này đến từ tiền thu từ đi vay, từ đầu năm đến nay đã đi vay 402 tỷ đồng, tăng mạnh với con số đầu năm là 100 tỷ đồng. 

Năm 2020, Vietravel đặt kế hoạch doanh thu giảm sâu, xuống chỉ còn 3.065 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 60% so với năm trước. Đáng chú ý, Vietravel dự kiến sẽ lỗ khoảng 22 tỷ đồng. 

Ở thời điểm hiện tại, thế mạnh nổi bật nhất của Vietravel Airlines có lẽ là khai thác nguồn khách du lịch mà công ty mẹ đang sở hữu, tuy nhiên, thị trường du lịch cũng gặp khó. Trong khi đó, tiềm lực tài chính hiện tại cùng với áp lực cạnh tranh với các hãng hàng không có tiếng trên đường bay Việt, liệu Vietravel Airlines có trụ được và thu lãi, là câu hỏi nhiều nhà đầu tư quan tâm.