CEO Huawei: "Tôi hoan nghênh cuộc gọi từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, nếu có"
Ông chủ Huawei đang kỳ vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ "nhẹ tay" hơn với tập đoàn viễn thông khổng lồ sau 2 năm bị áp cấm vận
Theo CNBC, ông Ren Zhengfei - người sáng lập, CEO của tập đoàn công nghệ Huawei - mới đây cho biết ông sẵn sàng nhận cuộc gọi từ tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây là phát biểu công khai đầu tiên của ông Ren kể từ thời điểm chuyển giao quyền lực tại Mỹ trong bối cảnh Huawei chịu áp lực lớn từ các lệnh cấm vận của Washington.
Ông Ren đang kỳ vọng Mỹ sẽ "nhẹ tay" hơn với tập đoàn viễn thông khổng lồ sau 2 năm bị áp cấm vận. Huawei bị Washington xem là mối đe dọa an ninh quốc gia dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump và bị cấm tiếp cận các phần mềm, linh kiện quan trọng của Mỹ.
Washington cũng cáo buộc thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất có thể được dùng để do thám người Mỹ. Trong khi đó, tập đoàn Trung Quốc liên tục phủ nhận những cáo buộc trên.
"Tôi hoan nghênh cuộc điện thoại của ông Joe Biden và truyền tải thông điệp về việc cùng phát triển và thành công", ông Ren phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 9/2. "Mỹ muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và Trung Quốc cũng vậy".
Ông Ren cho biết đến giờ ông vẫn chưa nhận được cuộc gọi nào nhưng nếu có, ông sẽ thảo luận về việc Mỹ - Trung cùng nhau phát triển. Ông chủ Huawei cố gắng kêu gọi hành động vì lợi ích của các công ty Mỹ và nhấn mạnh rằng những doanh nghiệp này đã chịu tác động không nhỏ bởi việc không thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho Huawei.
"Nếu Huawei có thể nâng cao năng lực sản xuất, điều này đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều cơ hội làm ăn cho các công ty Mỹ. Tôi tin rằng việc này sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Tôi tin rằng chính quyền mới sẽ quan tâm tới lợi ích của các doanh nghiệp khi đưa ra các chính sách mới", ông Ren nói. "Chúng tôi hy vọng có thể mua một lượng lớn linh kiện cũng như thiết bị để tất cả chúng ta đều có thể hưởng lợi từ sự tăng trưởng của Trung Quốc".
Chia sẻ bên lề họp báo, ông Ren cho biết Huawei đã mở một phòng thí nghiệm mới tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thiểm Tây, miền bắc Trung Quốc để tập trung ứng dụng công nghệ vào ngành khai thác mỏ.
Trước đó, Huawei bị cấm tiếp cận với nhiều công nghệ của Mỹ. Năm 2019, Washington đưa Huawei vào Danh sách Thực thể, trong đó cấm các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu công nghệ cho công ty này. Theo đó, Google không được phép cấp phép sử dụng hệ điều hành di động Android cho Huawei. Việc này khiến doanh số di động thông minh (smartphone) của Huawei sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, Huawei cũng không thể tiếp cận các loại chíp công nghệ cao.
Những cấm vận từ Mỹ khiến Huawei bị ảnh hưởng lớn, đặc biệt trong mảng kinh doanh smartphone. Trong năm 2020, nhiều quốc gia, như Anh, đã cấm Huawei tham gia thị trường 5G.
Nhiều câu hỏi được đặt ra về tương lai mảng kinh doanh smartphone của Huawei trong bối cảnh công ty này không thể tiếp cận con chíp do công ty TSMC của Đài Loan sản xuất. Những con chíp tối tân đã góp phần không nhỏ giúp Huawei trở thành một trong những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.
Trước tình hình đó, tháng 11/2020, Huawei đã bán thương hiệu smartphone giá rẻ Honor nhằm giúp thương hiệu này tồn tại và tiếp tục được sử dụng những linh kiện quan trọng. Hãng tin Reuters đầu năm nay dẫn nguồn thân cận cho biết Huawei đang đàm phán để bán hai thương hiệu smartphone cao cấp Mate và P. Tuy nhiên, ông Ren khẳng định Huawei sẽ "không bao giờ" bán mảng smartphone của mình.
Trong suốt năm qua, ông Ren duy trì giọng điệu lạc quan và tỏ ra tự tin vào "khả năng tồn tại của Huawei".
"Chúng tôi có nhiều cách để vượt qua khó khăn", ông Ren nói và cho biết công ty đạt được tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận khả quan trong năm 2020 dù không tiết lộ con số cụ thể.
Năm 2019, doanh thu của Huawei đạt 858,9 tỷ Nhân dân tệ (122,97 tỷ USD) với lợi nhuận 62,7 tỷ Nhân dân tệ.