CEO JPMorgan Chase: Kinh tế Mỹ sẽ bùng nổ trong mấy năm tới
Người đứng đầu ngân hàng lớn nhất Mỹ cho rằng nền kinh tế nước này sắp bước vào một giai đoạn bùng nổ
Tổng giám đốc (CEO) kiêm Chủ tịch ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ trong mấy năm tới.
Trong lá thư thường niên gửi cổ đông, ông Dimon nói ông nhận thấy triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cơ sở để ông Dimon đưa ra nhận định này là nỗ lực kích cầu của Chính phủ Mỹ nhằm đưa nền kinh tế vượt qua cú sốc mà đại dịch Covid-19 gây ra. Nhờ những gói kích cầu khổng lồ này mà người dân Mỹ đang có trong tay một lượng tiền tiết kiệm lớn.
"Tôi tin rằng với lượng tiền tiết kiệm lớn, gói kích cầu mới, chi tiêu gây thâm hụt ngân sách lớn, chương trình nới lỏng định lượng (QE) tiếp diễn, một gói kích cầu khổng lồ được đề xuất, chiến dịch tiêm chủng thành công, và sự khởi sắc của tăng trưởng toàn cầu sau đại dịch, nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ bùng nổ", ông Dimon viết. "Sự bùng nổ này có thể dễ dàng kéo dài đến năm 2023, vì tất cả mọi gói chi tiêu này rất có khả năng kéo dài đến năm 2023".
Ông Dimon, người lãnh đạo JPMorgan Chase vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008, đã giúp tạo ra ngân hàng lớn nhất Mỹ về tài sản. Ông nhấn mạnh rằng quy mô chi tiêu của Chính phủ Mỹ trong khủng hoảng Covid-19 vượt xa mức chi trong cuộc khủng hoảng cách đây hơn 1 thập kỷ. Ông cho rằng cần thời gian để đánh giá ảnh hưởng dài hạn của các gói kích cầu, nhất là kế hoạch hạ tầng 2 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất mới đây.
"Nếu được chi một cách khôn ngoan, các kế hoạch sẽ tạo thêm cơ hội kinh tế cho tất cả mọi người", ông nói.
Nhận định về thị trường chứng khoán Mỹ, ông Dimon cho rằng định giá cổ phiếu ở Phố Wall đang "khá cao", nhưng cho rằng một đợt tăng trưởng bùng nổ kéo dài vài năm của kinh tế Mỹ có thể tạo ra một nền tảng vững chắc cho mức định giá này.
Tuy nhiên, ông Dimon tin giá trái phiếu kho bạc Mỹ cần phải giảm thêm mới phù hợp với triển vọng tăng trưởng bùng nổ của kinh tế Mỹ. "Đó là bởi hai yếu tố. Thứ nhất, có một nguồn cung nợ khổng lồ cần được hấp thụ; và thứ hai, sự gia tăng của lạm phát biết đâu không phải là nhất thời".