Châm cứu: chữa bệnh hiệu quả và những lưu ý
Từ nhiều thế kỷ qua, châm cứu được biết đến như một phương pháp chữa bệnh cổ truyền được sử dụng rộng rãi ở châu Á. Những năm trở lại đây, lợi ích của châm cứu cũng được ứng dụng rộng rãi ở các nước có nền khoa học tiên tiến như Hoa Kỳ.
Châm cứu là một phương pháp chữa bệnh đơn giản, nhưng có công hiệu rất lớn trong phòng và chữa một số loại bệnh. Ngày nay, châm cứu được ứng dụng phổ biến trong y học như: châm tê để hỗ trợ phẫu thuật ngoại khoa, châm cứu cắt cơn nghiện trong điều trị cai nghiện ma túy, châm cứu để giảm béo…
Khả năng chữa bệnh nhanh chóng Một số phương pháp châm cứu thông dụng có thể kể đến như: Điện châm: Dùng dòng điện để tăng kích thích của kim vào huyệt khi mắc điện cực của máy điện châm vào kim châm cứu và điều chỉnh cường độ của dòng điện phù hợp với ngưỡng của bệnh nhân; Thủy châm: Dùng thuốc tiêm trực tiếp vào các huyệt; Cứu ngải: Dùng điếu ngải (được làm từ cây ngải cứu khô đã sao vàng và nghiền thành bột, sau đó lấy giấy bản quấn chặt lại giống như điếu xì gà) đã được châm lửa rồi hơ vào huyệt (y học cổ truyền gọi là cứu). Bác sĩ sẽ dùng điếu ngải đã châm nóng, để cứu thẳng vào huyệt hoặc cứu vào đốc kim châm cứu, khi đó, tinh dầu của ngải cứu và hơi nóng sẽ tác động sâu vào huyệt giúp phục hồi những tổn thương nhanh chóng. Châm cứu thường được dùng để điều trị các bệnh cấp và mãn tính như: Thần kinh: liệt dây VII ngoại biên (thường do nhiễm lạnh đột ngột), đau dây V và các dây thần kinh ngoại biên khác, máy mắt, sụp và mỏi mi mắt, liệt nửa người, đau thần kinh tọa, và nhiều chứng đau khác; Cơ xương khớp: giãn dây chằng, thoái hóa khớp gối, đau do thoái hóa cột sống cổ, lưng; Tuần hoàn: Huyết áp cao, thấp, rối loạn thần kinh tim; Tiêu hóa: Các bệnh về dạ dày, ruột; Sinh dục: Các bệnh rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, di mộng tinh; Tiết niệu: Tiểu dầm, tiểu bí.
Một số trường hợp không nên châm cứu, bao gồm: Những người cơ địa yếu, không thích nghi được; Những người có thể trạng yếu, suy kiệt, châm cứu dễ bị sốc; Bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Mặc dù châm cứu rất hiệu quả trong điều trị một số loại bệnh, nhưng nếu không cẩn thận dễ gây ra những rủi ro nguy hiểm. Nếu bác sĩ châm cứu thẳng vào dây thần kinh, có thể dẫn đến bị liệt, teo cơ… Khi châm kim, nếu người bệnh có cảm giác rất buốt, bác sĩ cần phải rút kim ra ngay lập tức. Bởi nếu châm sai huyệt, châm vào những huyệt nguy hiểm, châm quá sâu, có thể gây tử vong. Để châm cứu chữa bệnh đạt hiệu quả, người bệnh chỉ nên đến bệnh viện, viện châm cứu uy tín. Lợi ích tuyệt vời của châm cứu Bằng cách châm cây kim mỏng vào huyệt đạo để kích thích khí huyết lưu thông, châm cứu có thể giúp giảm các triệu chứng khó chịu của một số căn bệnh. Làm dịu chứng viêm họng Sự kết hợp của châm cứu, giác hơi, cạo gió và thảo dược có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm họng hành sốt. Trong Đông y, cảm lạnh và cúm là sự xâm lược của gió hoặc các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài và cả hai đều gây ra viêm. Sự kết hợp của các phương pháp điều trị nêu trên có thể tống khứ "những kẻ xâm lược" đó ra khỏi cơ thể.
Giảm các cơn đau mãn tính Đây là lợi ích hàng đầu của châm cứu trong việc giúp người bệnh giảm bớt những cơn đau dai dẳng, trong đó có các chứng bệnh đau lưng, đau đầu, đau vai gáy. Một trong những nghiên cứu gần đây cho thấy những người được châm cứu đã thực sự cảm nhận được sự cải thiện hơn 15% về căn bệnh của họ so với những người dùng thuốc. Nghiên cứu cũng cho thấy những người thường xuyên dùng phương pháp châm cứu để trị liệu sẽ phòng ngừa được các chứng bệnh đau lưng, đau nửa đầu.
Chữa rối loạn tiêu hóa Lá lách và dạ dày là những cơ quan chính liên quan đến tiêu hóa, nếu giữ chúng khỏe mạnh có thể điều trị một số rối loạn liên quan đến đường tiêu hóa. Các nhà nghiên cứu Brazil đã nghiên cứu hai nhóm người, trong đó một nhóm phụ nữ mang thai được kết hợp giữa châm cứu và các loại thuốc và một nhóm khác được tư vấn để thay đổi chế độ ăn uống và được cấp thuốc men nếu thấy cần thiết. Kết quả cho thấy 75% phụ nữ trong nhóm sử dụng biện pháp châm cứu đã giảm đáng kể cường độ ợ nóng và nồng đồ a xít trong dạ dày, trong khi ở nhóm còn lại con số chỉ là 44%. Điều này cho thấy tác dụng tuyệt vời của châm cứu trong việc điều trị chứng ợ nóng, đầy hơi ở phụ nữ mang thai.
Chữa mất ngủ Theo các chuyên gia, mất ngủ gây mệt mỏi, khó tập trung và dễ cáu gắt. Bên cạnh các liệu pháp cải thiện giấc ngủ được các chuyên gia khuyến cáo, châm cứu còn có thể chữa bệnh mất ngủ. Bằng cách làm dịu hệ thần kinh, điều trị bằng phương pháp châm cứu có thể giúp giảm bớt căng thẳng, từ đó giúp đem lại giấc ngủ ngon. Chứng đau ống cổ tay Hội chứng ống cổ tay là một bệnh ảnh hưởng đến bàn tay và cánh tay gây ngứa ran, tê ở giai đoạn ban đầu. Khi tiến đến giai đoạn mới, nó có thể dẫn đến đau nặng và yếu ở tay, thậm chí gây tổn thương thần kinh. Bấm huyệt và châm cứu có thể hỗ trợ trong việc điều trị hội chứng ống cổ tay vì nó có tác dụng giúp phục hồi chức năng thần kinh bình thường và giảm đau. Trong thực tế, đây là một lựa chọn tốt cho những người muốn tránh phẫu thuật sớm. Làm trẻ hóa da Châm cứu có thể giúp làm trẻ hóa da nhờ tác dụng tăng cường sự đàn hồi của collagen, hạn chế mí mắt rủ xuống, giảm sưng bọng mắt, và làm săn chắc da ở cằm, má.