15:57 30/07/2024

Chấn chỉnh, xử lý bất cập tại chợ gia cầm Hải Bối

Chu Khôi

Tình trạng vi phạm những quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối gia cầm Hải Bối, cho thấy có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, dẫn đến nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, làm lây lan dịch bệnh động vật và ô nhiễm môi trường….

Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Hải Bối. Ảnh: Đức Minh.
Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Hải Bối. Ảnh: Đức Minh.

Ngày 30/7/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số 5436/BNN-TY đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chấn chỉnh hoạt động giết mổ gia cầm và công các quản lý giết mổ tại chợ Hải Bối, huyện Đông Anh. 

VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ GIẾT MỔ

Chợ đầu mối gia cầm Hải Bối, huyện Đông Anh là một trong những điểm cung ứng gia cầm, gia súc lớn cho Thành phố Hà Nội với số lượng ước tính hàng chục vạn mỗi ngày. Tuy nhiên, tại khu chợ phía Bắc Thủ đô này đang bộc lộ nhiều bất cập như: không thực hiện kiểm dịch động vật, thu phí trái quy định và không có hóa đơn chứng từ.

Theo phản ánh của báo chí, mỗi ngày, hàng trăm ô tô lớn nhỏ chở gia cầm ra vào chợ đầu mối Hải Bối mà không cần trải qua công tác kiểm dịch động vật. Thời gian qua, công tác kiểm soát nguồn gốc gia cầm trước khi ra vào chợ cũng như khử trùng đã bị cán bộ thú y bỏ ngỏ dẫn đến việc mất kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện lây lan dịch bệnh.

Công văn số 5436/BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Công văn số 5436/BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo quy định tại Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT, trước khi giết mổ gia súc, gia cầm, các lò mổ cần phải tuân thủ những quy định như: Kiểm tra hồ sơ, sổ sách ghi chép nguồn gốc động vật đưa vào giết mổ của cơ sở giết mổ. Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật theo quy định. Kiểm tra việc thực hiện các quy định vệ sinh đối với người tham gia giết mổ. Kiểm tra lâm sàng động vật… Các công việc này phải do cán bộ thú y được phân công kiểm tra, kiểm soát mỗi chuyến xe ra vào chợ.

Thế nhưng, theo ghi nhận của các phóng viên tác nghiệp tại chợ đầu mối gia cầm Hải Bối trong thời gian tháng 6 và nửa đầu tháng 7/2024, không hề thấy bóng dáng của cán bộ thú y kiểm dịch, cũng chưa thấy ai đến các lò mổ để nhắc nhở hộ kinh doanh trong việc chấp hành công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Như vậy, mỗi ngày có hàng chục vạn con gia cầm được đưa về chợ đầu mối Hải Bối mà không được cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm dịch.

Tại nhiều điểm giết mổ gia cầm trong chợ này, để làm sạch lông gà, vịt, một số cơ sở giết mổ tại Hải Bối dùng nhựa thông, một chất phụ gia đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Trong khi, văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông các về tỉnh tăng cường kiểm soát cơ sở giết mổ gia cầm, Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có quy định nghiêm cấm sử dụng nhựa thông trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. 

Trường hợp phát hiện sơ sở vi phạm sẽ xử phạt theo quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và truy cứu hình sự theo Điều 190, 191 và 317 Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH. Quy định là vậy, nhưng theo ghi nhận của các phóng viên tại các cơ sở giết mổ gia cầm tại chợ Hải Bối, hàng ngày vẫn có hàng ngàn gia cầm được giết mổ theo phương pháp này.

Trong Công văn số 5436/BNN-TY, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Thực trạng trên cho thấy có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương được giao thực hiện quản lý cơ sở giết mổ và kiểm soát giết mổ, dẫn đến nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, làm lây lan dịch bệnh động vật và ô nhiễm môi trường”.

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

Nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý thú y, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để chấm dứt những sai phạm được phản ánh nêu trên và tăng tính hiệu quả trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe cho người tiêu dùng, phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như cúm gia cầm (A/H5N1 và A/H9N2), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND, cơ quan chuyên môn về thú y các cấp ở địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật thú y và các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng thời đề nghị lãnh đạo Thành phố Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật (đặc biệt cơ sở giết mổ gia cầm tại các chợ đầu mối).

Giết mổ mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Hải Bối. Ảnh: Hùng Khang.
Giết mổ mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Hải Bối. Ảnh: Hùng Khang.

Theo đó, xử lý nghiêm và dừng hoạt động đối với các cơ sở giết mổ động vật chưa được cấp phép hoạt động, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, sử dụng hóa chất, phụ gia bị cấm trong giết mổ gia cầm và không được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định.

Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa chính quyền với lực lượng thú y, y tế, công an, quản lý thị trường… trong công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật, thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp kịp thời khi xử lý các vụ việc liên quan đến vận chuyển, giết mổ động vật, an toàn thực phẩm đối với thịt gia súc, gia cầm.

Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Có chính sách ưu tiên, triển khai xây dựng mạng lưới giết mổ tập trung bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, triển khai chương trình giám sát chủ động về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, qua đó bảo đảm nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật.