15:26 23/06/2024

Phải xử lý triệt để, xóa bỏ lò giết mổ thủ công

Chu Khôi

Từ nhiều năm nay, tại các thành phố lớn, tất cả các lò giết mổ gia súc, gia cầm theo phương thức thủ công, hoạt động tự phát đã bị cấm. Tuy nhiên đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Nội, tình trạng các lò giết mổ gia súc gia cầm thủ công vẫn hoạt động công khai…

Môt góc nhà máy Giết mổ lợn của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Hà Nội)
Môt góc nhà máy Giết mổ lợn của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Hà Nội)

Đến các huyện ngoại thành Hà Nội như Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì, thậm chí cả ở các khu vực nội thành như Định Công (Hoàng Mai), Đồng Mai (Hà Đông) dễ dàng bắt gặp những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không được cấp phép hoạt động, thế nhưng mỗi ngày vẫn có hàng nghìn gia súc, gia cầm được xuất lò tại đây.

70% CƠ SỞ HOẠT ĐỘNG KHÔNG CÓ GIẤY PHÉP

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến hết năm 2023, cả nước mới chỉ có gần 470 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, có nhân viên thú y kiểm soát hoạt động giết mổ theo quy định.

Những địa phương đang tổ chức tốt hoạt động giết mổ động vật tập trung và quy mô công nghiệp, dễ dàng kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc là TP.HCM, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Long An, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Trong khi đó, trên địa bàn cả nước vẫn còn tới 24.650 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Điều đáng nói là hiện có tới 70% số cơ sở giết mổ trong số này đang hoạt động không có giấy phép. Tại các cơ sở này, tỷ lệ kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm ở mức thấp, hoặc không kiểm soát được, không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.

 

“Do đặc thù hay hoạt động lúc nửa đêm và kết thúc vào sáng sớm nên lực lượng chức năng khó tiếp cận các cơ sở giết mổ này để xử phạt. Ngoài ra, tại các chợ cóc, chợ tạm mọc tràn lan trong thành phố còn rất nhiều điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, mất vệ sinh”.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y.

Hà Nội là một trong những địa phương kém nhất cả nước về công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm. Theo Cục Thú y, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 735 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp, trong đó, mới chỉ có 8 cơ sở giết mổ công nghiệp quy mô lớn. Còn lại là các cơ sở giết mổ thủ công; mới chỉ kiểm soát được hơn 60% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn, còn lại đang bị thả lỏng.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho rằng đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung cần nguồn vốn lớn, nhưng đầu ra vẫn khó khăn, do vậy các doanh nghiệp chưa mặn mà. Mặt khác, các hộ giết mổ chưa nhận thức đúng, chạy theo lợi ích trước mắt, chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung. Tiến độ xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung ở nhiều nơi còn chậm, chưa có thêm cơ chế sát thực tế về quỹ đất, nguồn vốn đầu tư để thu hút doanh nghiệp tham gia.

NHÀ MÁY GIẾT MỔ HIỆN ĐẠI GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN

Nhà máy giết mổ lợn của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ - Hà Nội) mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2024 được trang bị những dây chuyền máy móc hiện đại, được xây dựng trên diện tích đất 6 ha, công suất giết mổ 2.000 con lợn/ngày

Ông Kiều Đình Thép, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Giám đốc Nhà máy giết mổ lợn C.P tại Phú Nghĩa, cho biết đầu vào của nhà máy sử dụng nguồn lợn được nuôi tại các trang trại của công ty ở miền Bắc. Tất cả đều đảm bảo an toàn dịch bệnh, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm nghiêm ngặt trước khi xuất chuồng đưa về nhà máy. Toàn bộ quá trình giết mổ được thực hiện trên dây chuyền tự động. Nhân viên kiểm dịch của Chi cục Thú y sẽ túc trực tại nhà máy, trực tiếp kiểm tra đóng dấu kiểm dịch lên thân thịt lợn khi đã kiểm tra đạt tiêu chuẩn.

“Nhà máy được xây dựng với định hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt lợn tại Hà Nội, mà còn đảm bảo đáp ứng đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu. Tại đây có các phòng thí nghiệm để xét nghiệm các yếu tố về vi sinh và kim loại nặng trên sản phẩm trước khi xuất xưởng. Trong tương lai, nếu tìm được các đối tác nhập khẩu thịt lợn từ Nhật Bản, nhà máy sẽ cùng với Cục Thú y và các cơ quan chức năng phối hợp kiểm nghiệm để đáp ứng các yêu cầu khe khắt của các nước nhập khẩu thịt”, ông Thép thông tin.

Hiện tại nhà máy giết mổ lợn C.P tại Phú Nghĩa mỗi ngày mới chỉ giết mổ vài trăm con lợn, quá thấp so với công suất thiết kế. Nguyên nhân là do hiện nay, giết mổ nhỏ lẻ rất nhiều, nên giết mổ hiện đại rất khó cạnh tranh.

Ông Thép tính toán, do phải tính khấu hao đầu tư máy móc, cùng với chi phí mặt bằng, cơ sở hạ tầng, chi phí xử lý nước thải, chất thải, nên riêng chi phí giết mổ tại Nhà máy hiện lên tới 4.500 đồng/kg thịt lợn. Trong khi giết mổ nhỏ lẻ chỉ mất khoảng 700 đồng/kg thịt lợn. Vì chi phí cao, nên giá thịt lợn C.P xuất bán đang cao hơn so với thịt lợn của các lò mổ thủ công, khiến thương nhân buôn bán thịt lợn ở các chợ chưa muốn mua lợn móc hàm từ nhà máy. Đầu ra của nhà máy chủ yếu cung cấp cho các siêu thị và các cửa hàng CP Shop, CP Porkshop...

Ông Nguyễn Tú Nam, Phó Tổng Giảm đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Phụ trách chuỗi chăn nuôi lợn của C.P, cho biết C.P đang xuất bán hàng chục nghìn con lợn sống mỗi ngày, lượng lợn hơi đưa về nhà máy giết mổ chiếm tỷ trọng không đáng kể. So sánh với xuất bán lợn hơi sống, thì lợn đem về giết mổ tại nhà máy rồi mới bán lại đang bị lỗ.

“Trước đây, gà công nghiệp sống, chúng tôi bán 15 nghìn con/ngày. Khi mới xây nhà máy, suốt những năm đầu, chúng tôi chỉ giết mổ vài trăm con gà/ngày, quá trình mở thị trường rất gian nan. Thế nhưng không ai nghĩ rằng đến bây giờ nhà máy giết mổ gia cầm tại đây hoạt động công suất với 40.000 con gà/ngày”, ông Nam cho biết.

Nhà máy giết mổ của C.P đang chịu lỗ, nhưng vẫn nằm trong kế hoạch. Công ty luôn xác định có những hoạt động mang lại lợi nhuận, nhưng cũng có những hoạt động thực hiện vì lợi ích cộng đồng, chưa lấy lợi nhuận làm tiêu chí. "Phương châm là phải cùng thắng: nông dân chăn nuôi thắng, mà C.P. cũng phải thắng. Xây dựng Nhà máy giết mổ ở đây là xây dựng cho tương lai”, ông Nguyễn Tú Nam nhấn mạnh...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 26-2024 phát hành ngày 24/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Phải xử lý triệt để, xóa bỏ lò giết mổ thủ công - Ảnh 1