06:00 08/05/2022

Chặn sốt đất ảo, "ghìm cương" thị trường bất động sản

Khởi Anh - Đức Long

Khoảng 3 năm qua, cơn "sốt đất" lan rộng từ Bắc vào Nam. Đất miền núi, ven biển, đồng bằng, thành thị, nông thôn... ở rất nhiều nơi đã tăng giá chóng mặt. Thậm chí sau một đêm giá một thửa đất tăng 50, 100%. Rất nhiều người dân đổi đời vì bán được mảnh đất với giá trên trời.

Theo thông tin từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, từ đầu năm 2021 tới nay, hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như đất rừng, đất ruộng, đất vườn xuất hiện rất thường xuyên trên thị trường. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, mặc dù Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã quy định: “Nhà nước có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng”.

Tuy nhiên, trong các đợt khủng hoảng tăng nóng bất động sản đã diễn ra trong quá khứ và ngay trong cơn sốt đất hiện tại, sự can thiệp của Nhà nước chưa thật hiệu quả để bình ổn thị trường.

Trước nguy cơ bất động sản hình thành bong bóng và có thể vỡ bất cứ lúc nào, Đảng, Chính phủ, cũng như các cơ quan quản lý và chính quyền các tỉnh, thành đang cố gắng tìm ra các giải pháp căn cơ để hạ nhiệt , điều tiết lại thị trường, cân đối cung cầu từ đó đưa bất động sản trở thành động lực phát triển lành mạnh cho cả nền kinh tế.

Trong khi đó, chính sách pháp luật về bất động sản đang rất chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Được ví “tấc đất, tấc vàng”, nhưng một khối lượng lớn tài nguyên quý giá đang không tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, cho đất nước.