Chỉ cần một quy hoạch ngành điện đã ngốn hết vốn trung dài hạn ngân hàng
"Nếu Thủ tướng duyệt quy hoạch điện VIII thì nhu cầu tín dụng của ngành này rất lớn, lấy hết vốn trung dài hạn của ngân hàng hiện nay cho vay cũng không thể đáp ứng được. Đó là chưa kể ngân hàng phải có nguyên tắc quản trị rủi ro theo ngành. Thế nên buộc thị trường trái phiếu phải phát triển”, Tổng giám đốc Fiin Ratings nói...
Tại Đối thoại chuyên đề "Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP", các chuyên gia cùng nhận định tích cực về quy định bổ sung xếp hạng tín nhiệm bắt buộc trong một số trường hợp đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, áp dụng chính thức từ 1/1/2023.
VÌ SAO ĐỀ CAO XẾP HẠNG TÍN NHIỆM?
Theo các chuyên gia, xếp hạng tín nhiệm cũng đã xuất hiện ở thị trường Việt Nam từ lâu nhưng mới chỉ phổ biến trong khu vực ngân hàng chứ chưa mở rộng sang thị trường chứng khoán. Theo đó, các báo cáo đánh giá của những tổ chức xếp hạng tín nhiệm chi tiết hơn, từ đó giúp nhà đầu tư kiểm soát rủi ro tốt hơn.
Xếp hạng tín nhiệm chính là tiền đề để đảm bảo cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn nói chung phát triển bền vững trong tương lai.
"Các nhà đầu tư sau này đọc báo cáo xếp hạng tín nhiệm để ra quyết định chứ hơi đâu mà đọc báo cáo tài chính. Đến cả tôi đây ngồi đọc báo cáo tài chính, người ta lừa cho cũng đến chịu chứ nói gì ai? Nào là những mục tài sản khác; các khoản phải thu, các khoản phải trả.. một đống nợ xấu ở trong đấy thì ai biết được? Ngay cả những nhà tài chính chuyên nghiệp, đọc báo cáo tài chính của một công ty mà biết được sự thật của nó còn khó. Nhưng mà xếp hạng tín nhiệm thì người ta biết được”.
Theo các chuyên gia tại buổi đối thoại, nếu kiểm toán xác định tính trung thực và hợp lý về tình hình tài chính doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo thì xếp hạng tín nhiệm lại có tính dự phóng về tương lai. Sau khi phát hành báo cáo xếp hạng lần đầu, đơn vị xếp hạng tín nhiệm vẫn phải có trách nhiệm theo dõi chất lượng tín dụng của doanh nghiệp liên tục.
Có thể hôm nay doanh nghiệp tốt nhưng tháng sau không biết được, không chắc còn tốt như trước vì bất kỳ mô hình kinh doanh nào cũng có rủi ro.
Ví dụ, tại thời điểm hôm nay doanh nghiệp đạt mức định hạng AA nhưng các đơn vị xếp hạng tín nhiệm vẫn phải có trách nhiệm theo dõi liên tục xem triển vọng doanh nghiệp sẽ thay đổi như thế nào..ổn định, tích cực hay tiêu cực?
Báo cáo tài chính hoàn toàn mang tính lịch sử còn việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu lại là chuyện tương lai…Bây giờ doanh nghiệp có thể có rất nhiều tiền nhưng biết đâu 3 tháng sau hết tiền.
Bên cạnh chức năng dự phóng tương lai, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam nhìn nhận xếp hạng tín nhiệm chính là bên thứ ba giám sát hữu hiệu tính minh bạch của thị trường. Phát triển các định chế này không chỉ giúp tăng tính minh bạch cho thị trường, giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro mà còn tốt cho chính tổ chức phát hành.
"Đôi khi điều này cũng rất tốt cho doanh nghiệp. Nhiều khi doanh nghiệp cũng không muốn vi phạm quy định trong hợp đồng hay quy định pháp luật đâu. Thế nhưng, các ý trong hợp đồng rất nhiều mà nếu triển khai thực thi thì nhiều doanh nghiệp chưa có đủ nhân sự kiểm soát. Vậy nên, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp họ thực thi các cam kết tốt hơn", ông Đỗ Ngọc Quỳnh nói.
Chính vì vậy, xếp hạng tín nhiệm là định chế trung gian rất quan trọng trên thị trường trái phiếu, cần được kiểm soát tốt để đảm bảo tính độc lập, khách quan, trung thực.
KHÔNG ĐỂ DOANH NGHIỆP DƯỚI CHUẨN LỢI DỤNG THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Ratings, hiện có xấp xỉ 700 doanh nghiệp đang có trái phiếu lưu hành, dư nợ khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, hơn 43% doanh nghiệp sẽ thuộc đối tượng phải xếp hạng tín nhiệm. Điều này nghĩa là chất lượng tín dụng của các doanh nghiệp phát hành trong trái phiếu thấp…
Việc cơ quan quản lý đưa quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc trong một số trường hợp được giới phân tích đánh giá sẽ góp phần nâng chuẩn của đơn vị phát hành trái phiếu, tránh việc các công ty dự án, công ty mới thành lập, công ty chỉ có một dự án bất động sản hoặc chưa có hồ sơ năng lực mà ngân hàng từ chối…lại ra phát hành trái phiếu lấy tiền của nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Quang Thuân ước tính trong 1 năm tới sẽ chỉ có khoảng 100 đến 150 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ thuộc đối tượng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc theo quy định tại Nghị định 65, trong đó có vài chục doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
“Doanh nghiệp phát hành hiện nay chủ yếu thuộc các lĩnh vực bất động sản, xây dựng, các định chế tài chính, năng lượng tái tạo, hạ tầng. Một số ngành ngân hàng không thể phục vụ được vì còn rất ít room…Ví dụ năng lượng tái tạo, nếu Thủ tướng duyệt quy hoạch điện VIII thì nhu cầu tín dụng của ngành này rất lớn, lấy hết vốn trung dài hạn của ngân hàng hiện nay cho vay cũng không thể đáp ứng được. Đó là chưa kể ngân hàng phải có nguyên tắc quản trị rủi ro theo ngành. Một ngân hàng không thể dành hết room cho một ngành nào đấy được. Thế nên buộc thị trường trái phiếu phải phát triển”, Tổng giám đốc Fiin Ratings nói.