Đối thoại chuyên đề: “Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65”
Bước đầu, Nghị định 65 được giới chuyên môn đánh giá là hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế về trái phiếu doanh nghiệp, góp phần giải quyết những bất cập và hạn chế của thị trường trong thời gian qua...
Theo Bộ Tài chính, trong nhiều năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp từng bước phát triển theo đúng định hướng, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp và giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Từ năm 2019 đến nay, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh, bình quân khoảng 467 nghìn tỷ đồng/năm.
Riêng năm 2021, từ khi triển khai Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, mặc dù có giảm trong các tháng đầu sau khi áp dụng quy định mới nhưng thị trường nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng, với khối lượng phát hành đạt kỷ lục 637 ngàn tỷ đồng, đưa quy mô thị trường xấp xỉ 15% GDP.
Tuy nhiên, đi kèm với con số ấn tượng nêu trên, thị trường cũng tồn tại nhiều hiện tượng thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật.
Do đó, ngày 16/9, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65).
Để nhìn nhận rõ hơn tác động của Nghị định số 65 đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp sắp tới, trong vai trò là cầu nối truyền thông chính sách đến thị trường, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Đối thoại chuyên đề với chủ đề: “Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP”.
Các vấn đề chính sẽ được thảo luận gồm:
- Những điểm nổi bật của Nghị định 65 so với Nghị định 153
- Đánh giá tác động của Nghị định 65 đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong ngắn hạn, dài hạn và kỳ vọng của cơ quan quản lý
- Rào cản kỹ thuật nâng cao chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân
- Nhận định về nguy cơ vỡ nợ kỹ thuật đối với trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm đáo hạn trong năm 2022 và 2023.
- Mở rộng cánh cửa tham gia thị trường đối với các chủ thể trong nước như quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ, quỹ hưu trí và nhà đầu tư nước ngoài với vai trò nhà đầu tư, phân phối, quản lý danh mục đầu tư…
- Tổng tài sản thị trường vốn hiện nay chạm ngưỡng 134,57% GDP, riêng quy mô trái phiếu doanh nghiệp lên tới 16,4% GDP nhưng bộ máy thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường quá mỏng.
Khách mời của đối thoại bao gồm:
- Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính.
- Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
- Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam.
- Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc Fiin Ratings.
- Nhà báo Phan Linh, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy sẽ điều hành Đối thoại