14:29 13/06/2022

Chiến lược nhân sự hậu đại dịch: Từ kiểu mới đến kiểu mẫu

Lan Anh

Đại dịch Covid-19 vừa qua là một phép thử với nhiều doanh nghiệp khi sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, thiếu hụt về mặt nhân sự đã tác động sâu sắc đến nhiều mặt của nền kinh tế...

Bước vào thời kì bình thường mới, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra tầm quan trọng của một chiến lược nhân sự đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Dưới góc nhìn của bốn chuyên gia về quản trị, chiến lược nhân sự kiểu mới cần những yếu tố gì để thích nghi và trở thành một kiểu mẫu điển hình?

“Không thể chiến thắng nếu không có chiến lược”

Đại dịch Covid-19 vừa qua là một phép thử với nhiều doanh nghiệp khi sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, thiếu hụt về mặt nhân sự đã tác động sâu sắc đến nhiều mặt của nền kinh tế. Theo nhận định của các chuyên gia, rất nhiều doanh nghiệp vượt qua những bất ổn thời gian qua đều có điểm chung là có một chiến lược bài bản từ trước.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai – Nhà sáng lập và Chủ tịch công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC), doanh nghiệp không thể chiến thắng những thách thức của thời đại nếu không có một chiến lược kĩ càng. “Nếu doanh nghiệp có sẵn một chiến lược nhân sự từ đầu thì có thể giảm được rủi ro ngắn hạn, giữ vững chuỗi cung ứng và nguồn cung lao động trước biến động bất ngờ như đại dịch. Có thể thấy rõ ràng nhiều doanh nghiệp đang thiếu sự chuẩn bị này. Nếu cho rằng chỉ có khủng hoảng mới cần chiến lược nhân sự thì phát triển bền vững là một thách thức với doanh nghiệp đó.”

Đồng quan điểm về tầm quan trọng của chiến lược nhân sự với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, ông Võ Quang Huệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) chia sẻ: “Qua 5 lần khởi nghiệp và phát triển 5 công ty tại các quốc gia khác nhau, tôi nhận thấy nhân sự luôn là mấu chốt trong chiến lược phát triển doanh nghiệp. Những kỳ tích hay kết quả vượt bậc luôn chỉ có thể đạt được khi có nhân sự là những người tài, có năng lực phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ phát triển của doanh nghiệp. Chiến lược nhân sự cần là ưu tiên hàng đầu của tất cả doanh nghiệp từ startup đến các doanh nghiệp lâu đời.”

Định hình “chiến lược nhân sự kiểu mẫu”

Chiến lược nhân sự hậu đại dịch: Từ kiểu mới đến kiểu mẫu - Ảnh 1

Hiểu được tầm quan trọng của chiến lược nhân sự nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay thay đổi để thích nghi. Theo ông Nguyễn Hữu Thiết - Nguyên Giám đốc Nhân sự FrieslandCampina Việt Nam & Myanmar, doanh nghiệp cần dành thời gian để nhìn lại những giá trị cốt lõi của công ty, xác định cơ hội và nhận diện những thách thức trong bình thường mới.

“Doanh nghiệp phải xác định các kỹ năng của lực lượng cốt cán phù hợp với ngành nghề chuyên môn nhằm đón đầu xu hướng của thời kỳ mới và tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Có chiến lược lâu dài trong việc thu hút, đào tạo và khai thác nguồn nhân lực sẵn sàng cho sự phát triển vũ bão của nền kinh tế trong nhiều thập kỷ kế tiếp.”

Theo Báo cáo Xu hướng Nhân tài 2022 của Mercer, có đến 33% nhân viên cho biết họ sẵn sàng đánh đổi cơ hội tăng lương để nhận được chính sách chăm sóc sức khỏe cho gia đình. Điều này cho thấy nhu cầu của người lao động đã thay đổi rất nhiều, từ việc coi trọng giá trị lương, thưởng sang quan tâm về sức khỏe của bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, theo bà Tiêu Yến Trinh - Tổng giám đốc Talentnet, chính sách sức khỏe là cần nhưng chưa đủ. “Một chiến lược nhân sự kiểu mẫu trong thời đại mới cần sự kết hợp toàn diện của những trụ cột nhân sự khác nhau. Không chỉ đảm bảo an toàn về sức khỏe, họ cũng cần cơ hội để học tập và phát triển cũng như được hưởng lương, thưởng, phúc lợi xứng đáng và phù hợp với nhu cầu. Người lao động hiện nay còn đòi hỏi một công việc có ý nghĩa và có thể đóng góp cho xã hội. Đây là lúc mà vai trò dẫn dắt của người lãnh đạo nhân sự là rất quan trọng. Đó cũng là lý do mà Vietnam HR Awards 2022 do Talentnet tổ chức cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thêm hạng mục cá nhân dành cho lãnh đạo nhân sự xuất sắc.”.

Nhân sự: Người lãnh đạo sự thay đổi

Chiến lược nhân sự hậu đại dịch: Từ kiểu mới đến kiểu mẫu - Ảnh 2

Nói về lãnh đạo nhân sự trong bối cảnh mới, ông Phạm Phú Ngọc Trai cũng cho biết:“Theo quan sát của tôi, phần đông các lãnh đạo nhân sự đều rất giỏi chuyên môn. Thách thức lớn nhất của họ để trở thành đối tác chiến lược của doanh nghiệp là sự thiếu hụt tư duy kinh doanh. Đây là thời điểm mà người nhân sự cần hiểu doanh nghiệp dưới góc độ kinh doanh, chứ không chỉ là góc độ nguồn nhân lực. Họ cũng cần khả năng lãnh đạo mạnh mẽ để quản trị sự thay đổi và tư vấn cho lãnh đạo những chuyển đổi cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đó mới là 1 lãnh đạo nhân sự thực thụ: làm kinh doanh, không chỉ làm nhân sự.”

Ông Colin Blackwell - Chủ tịch Ủy ban Nhân sự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cũng chia sẻ: “Nhân sự luôn có cơ hội để trở thành đối tác kinh doanh thân thiết và mang tính chiến lược của doanh nghiệp. Họ phải đi đầu trong việc thuyết phục doanh nghiệp các yếu tố cần thiết để bắt kịp chuyển đổi số. Họ cần là người dẫn dắt sự thay đổi trong doanh nghiệp. Thông thường, các lãnh đạo cấp cao là người hiểu rõ nhất các chính sách giúp doanh nghiệp “chuyển mình” trong bình thường mới, nhưng liệu nhân sự có thể thuyết phục được số nhân viên còn lại để giúp ban lãnh đạo hiện thực hóa các chính sách này hay không? Đó chính là bài toán của người nhân sự.”

Có thể nói, các chuyên gia đều đồng tình rằng, trước khi hoạch định được một chiến lược nhân sự hiệu quả và song hành với sự phát triển của doanh nghiệp, người làm nhân sự trước hết cần chuyển mình để trở thành một đối tác của doanh nghiệp. Đây là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội để bộ phận nhân sự sáng tạo và đổi mới bản thân, hướng đến xây dựng những chiến lược nhân sự mới bàn bản và mang tính điển hình của thời đại.

Vietnam HR Awards 2022 - giải thưởng nhân sự uy tín nhất Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh vai trò của người làm nhân sự và vinh danh những sáng kiến nhân sự sáng tạo và thức thời trong bình thường mới.

Giải thưởng đang nhận hồ sơ dự thi đến ngày 15/7/2022.

* Thông tin chi tiết: https://bit.ly/VNHRA2022-PRVI