Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể leo thang tới mức nào?
Tình hình chuyển xấu trong tuần này đồng nghĩa với sự gia tăng của khả năng Mỹ-Trung không bao giờ đạt được một thỏa thuận thương mại
Bước leo thang mới nhất trong cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã đặt hai nước vào thế "rất khó" để đạt được một thỏa thuận thương mại mà Tổng thống Donald Trump có thể tuyên bố chiến thắng - hãng tin CNBC dẫn nhận định của giới chuyên gia.
Vào thời điểm bắt đầu ngày thứ Sáu (10/5) theo giờ Mỹ, ông Trump chính thức nâng thuế quan trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% từ 10% trước đó. Bắc Kinh ngay lập tức nhắc lại rằng sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng.
Những diễn biến này xảy ra giữa lúc Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đang có mặt ở Washington để đàm phán với Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Dù đàm phán vẫn tiếp diễn vào ngày thứ Sáu như kế hoạch, chuyên gia cấp cao Steve Okun thuộc công ty tư vấn McLarty Associates cho rằng với bước leo thang mới, khả năng hai bên đạt một giải pháp trong vài tuần tới là một việc "rất khó tưởng tượng".
"Để Mỹ thắng lợi, để ông Trump tuyên bố chiến thắng, thì ông ấy phải chứng tỏ được rằng đã có thay đổi to lớn trong chính sách của Trung Quốc về tài sản trí tuệ, về an ninh mạng, về chuyển giao công nghệ", ông Okun nói với CNBC.
"Ở thời điểm hiện tại… về mặt chính trị, rất khó để Trung Quốc chấp nhận việc bị nhìn nhận là nhượng bộ trước những yêu cầu mà Mỹ đưa ra", vị chuyên gia nói thêm.
Ông Ukun không phải là chuyên gia duy nhất dự báo về tình trạng xấu đi trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhà phân tích Nick Marro thuộc Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định rằng đợt leo thang về thuế quan vào ngày thứ Sáu đã gây giảm sút "thiện chí" và "động lực tích cực" mà Mỹ và Trung Quốc đã xây dựng được trong những vòng đàm phán trước đây.
"Tôi cho rằng khả năng hai bên đạt một thỏa thuận đã giảm đi nhiều, và nguy cơ đổ vỡ đàm phán đã tăng thêm", ông Marro nói, và nhấn mạnh rằng rất khó để Mỹ và Trung Quốc xây lại được những điều tốt đẹp mà họ đã cố gắng tạo ra được trong mấy tháng qua.
Theo các chuyên gia, kịch bản tốt đẹp nhất được đặt ra ở thời điểm này là hai bên tiếp tục đàm phán, nhưng tình hình chuyển xấu trong tuần này cũng đồng nghĩa với sự gia tăng của khả năng Mỹ-Trung không bao giờ đạt được một thỏa thuận thương mại.
Giảng viên kinh tế Stefan Legge thuộc Đại học St. Gallen ở Thụy Sỹ dự báo rằng chiến tranh thương mại sẽ kéo dài chừng nào Mỹ và Trung Quốc còn chịu được sức ép mà cuộc chiến tạo ra.
"Trung Quốc có thể đã tụt sâu vào cái bẫy thù nghịch giữa các cường quốc, tới mức đủ để họ không còn có thể hợp tác nhiều với nhau được nữa", ông Legge nói.
Tuy nhiên, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s tỏ ra ít bi quan hơn. Ông Michael Taylor, Giám đốc phụ trách chiến lược và tiêu chuẩn tín nhiệm của Moody’s vẫn tin rằng Washington và Bắc Kinh rốt cục sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, căng thẳng gia tăng giữa hai bên sẽ là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, ông Taylor nhận định trong một báo cáo ra ngày thứ Sáu.
Đợt nâng thuế quan tuần này "làm trầm trọng thêm sự bấp bênh trong môi trường thương mại toàn cầu, đẩy cao căng thẳng Mỹ-Trung, tác động tiêu cực đến tâm lý toàn cầu, và làm gia tăng tâm lý e ngại rủi ro của các nhà đầu tư trên khắp thế giới", báo cáo viết.